TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã trao đổi với Báo Giao thông về câu chuyện thuỷ điện ở miền Trung và đề xuất các giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của thuỷ điện trong mùa mưa lũ.
Thưa ông, thời gian gần đây tại miền Trung và tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra sự cố sạt lở trên công trình Thuỷ điện Rào Trăng 3,4... Được biết, trước đây ông đã từng đặt vấn đề khi quy hoạch thuỷ điện miền Trung?
TS. Đào Trọng Tứ: Nhiều năm qua, khi thấy việc xây dựng thủy điện diễn ra với một tốc độ chóng mặt trên tất cả các hệ thống sông, suối của đất nước, là người được đào tạo về thủy điện và được tham gia quy hoạch và xây dựng một số công trình thủy điện, cũng như nghiên cứu về vấn đề phát triển thủy điện, tôi vô cùng phân vân tự hỏi, tại sao xây dựng công trình thủy điện lại dày đặc như thế. Hệ luỵ rồi sẽ xảy ra và sự thực đã xảy ra liên miên trong nhiều năm qua. Chúng ta đang trả giá về việc ồ ạt xây dựng thuỷ điện.
Đặc điểm của sông suối ở Miền Trung, Tây Nguyên và nhiều địa phương khác trên nước ta địa hình có độ dốc lớn, là điểm thuận lợi để tạo thế năng phát điện.
Khả năng sinh lợi, thu hồi vốn tốt nên nhiều nhà đầu tư rất quan tâm. Tôi đã từng đưa ra những bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thế giới nếu làm thuỷ điện không được xem xét thấu đáo từ quy hoạch, xây dựng, vận hành chính con người sẽ phải trả giá.
Thuỷ điện, tùy theo quy mô, là loại công trình có tác động căn bản thay đổi điều kiện dòng chảy tự nhiên của sông ngòi, tác động đến hệ sinh thái của dòng sông.
Thủy điện phục vụ an ninh năng lượng, điều tiết dòng chảy (với các thủy điện có hồ chứa)… Nhưng nếu quy hoạch phát triển thủy điện không hợp lý, vận hành không tuân thủ, thủy điện sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, con người và có thể gây nên thảm họa khi có sự cố.
Chúng ta có cần thay đổi những hồ chứa thủy điện đã xây dựng? Có giải pháp nào khắc phục những tác động tới thiên nhiên và cuộc sống người dân?
TS Đào Trọng Tứ: Hiện nay về cơ bản con sông nào cũng đã được xây dựng các hồ đập rồi, chúng ta không thể trong ngày một ngày hai thay đổi được.
Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả mọi người, của thủy điện, của nông nghiệp, của cấp thoát nước chứ không phải những công trình được xây dựng ở đầu nguồn chỉ phục vụ cho một mục tiêu. Phải sử dụng tốt hơn tác dụng của hồ chứa cho quyền lợi của tất cả mọi người.
Ví dụ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chẳng hạn. Đó là hệ thống sông rất ngắn, có các hồ chứa không lớn, nên hầu như năm nào người dân Đại Lộc, Quảng Nam cũng gánh hậu quả. Hay đơn cử như câu chuyện thuỷ điện An Khê - Kanak (Gia Lai) chặn đập để chia nước sông Ba đem sang sông Kôn (Bình Định) phát điện đã gây hàng loạt hệ luỵ, nhưng để khắc phục điều này càng khó hơn.
Phải nói ngay là thủy điện không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Nó mới là nguyên nhân gây ra tác hại của thủy điện đối với vùng hạ lưu.
Nếu vận hành đúng, hợp lý, hồ chứa thủy điện cũng không tăng thêm quá nhiều tác động. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. Nếu chứa nước quá sớm thì khi mùa lũ đến không còn chỗ chứa buộc phải xả. Mà xả lượng nước quá lớn, quá gấp làm lũ trên sông lên rất nhanh làm khốn khổ người dân. Đơn cử như thuỷ điện An Khê - Kanak vừa gây hại mùa khô và gây lũ trên sông Ba khi xả lũ. Có thể nói rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay đều không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng nước mùa khô.
Trên một dòng sông có rất nhiều thủy điện nếu không có hệ thống dự báo tốt và điều phối chung cho tất cả thủy điện thì rất gay go. Trong mùa lũ gặp rất nhiều trắc trở và tai họa mỗi ngày một lớn hơn.
Thưa ông, ngoài các công trình thủy điện và những tác động ở vùng đầu nguồn, ở vùng hạ lưu các dòng sông hiện nay đang gặp những thách thức gì, thưa ông?
Chúng ta hiện nay có khá nhiều sông ngòi, hơn 3000 con sông, phải nói rằng vấn đề sông ngòi chính là sự bảo đảm sự tồn vong và phát triển của con người trong tương lai. Tuy nhiên, do dân số phát triển, do nhu cầu phát triển kinh tế nên nhiều khi chúng ta nhìn nhận các dòng sông, cư xử với các dòng sông không thật tốt nên gây lên nhiều hệ lụy với chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau.
Ngoài công trình ở phía đầu nguồn mà hiện nay chúng ta đã gần như ”đã hoàn thành” với các dòng sông thì chúng ta xử sự với các dòng sông ở phía hạ lưu không phù hợp, lấn sông, lấy cát lòng sông là một thách thức. Các dòng sông đang chịu tác động của khai thác quá mức, rừng bị tàn phá, nguồn lợi thuỷ sản giảm sút khi hệ sinh thái dòng sông bị tác động. Nhiều địa phương đang đánh đổi vì lợi ích an ninh dòng điện với sinh kế của người dân. Và một câu chuyện khác nữa là làm mất đi bản sắc văn hoá của nhiều vùng núi chân đập thuỷ điện.
Cách gì để hạn chế tối đa tác động xấu của thuỷ điện trên các dòng sông ở miền Trung và nước ta thưa ông?
TS. Đào Trọng Tứ: Sau giai đoạn phát triển nóng, đã có nhiều sự cố xảy ra đối với các hồ đập thủy điện Tây Nguyên, vấn đề an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng cần phải được quan tâm thích đáng.
Chúng ta cần: Kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ - đập và hệ thống bậc thang. Các biện pháp đề ra phải được thực hiện và phải có chế tài và cơ chế giám sát việc thực hiện.
Cần loại bỏ những dự án thuỷ điện đang trong quy hoạch ở miền Trung và nhiều địa phương khác. Chúng ta có thể cân bằng an ninh nguồn điện bằng các dự án điện gió, điện mặt trời.
Sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều hoà các liên hồ chứa để giảm thiểu những sự cố thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việc kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập thủy điện cần xem xét ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, hiện trạng công trình và quy trình vận hành của công trình nhất là với hệ thống thủy điện bậc thang.
Cần phải xây dựng kịch bản vỡ đập cho tất cả các - hồ đập thủy điện để đối phó và giảm thiểu tác hại của việc vỡ đập, nhất là vỡ đập liên hoàn đối với dân cư và cơ sở hạ tầng các vùng hạ lưu công trình.
Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn trong hệ thống sông. Bảo đảm hệ thống kết nối thông tin giữa hệ thống trạm khí tượng thủy văn và các nhà máy thủy điện nhằm cung cấp kịp thời và chính xác số liệu mưa, dòng chảy phục vụ vận hành hồ theo quy trình đơn hồ hoặc liên hồ; Lắp đặt các hệ thống quan trắc thủy văn cho chính các nhà máy để giám sát đánh giá vận hành công trình. Xây dựng/hoàn chỉnh hệ thống cảnh báo xả lũ cho dân cư hạ lưu của từng nhà máy thủy điện.
Một giải pháp mang tính chất bền vững để chống lại biến đổi khí hậu khi thời tiết cực đoan ngày một xảy ra với tần suất dày đặc đó là phục hồi, nâng cấp chất lượng rừng đầu nguồn. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, hạn chế phá rừng chuyển đổi cây nông nghiệp, công nghiệp và khôi phục rừng. Đây vừa là nguồn sinh thủy mùa khô, đồng thời là giải pháp giảm tốc độ tập trung dòng chảy lũ, an toàn hơn cho đập.
Tăng cường năng lực về nhân lực quản lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sất nhà nước ở các cấp đối với vấn đề an toàn đập; Thể chế hóa sự tham gia giám sát của cộng đồng đối với các hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động đập thủy điện và cách phòng, tránh khi có sự cố đập. Cũng như, thể chế hóa trách nhiệm của các cơ quan/đơn vị/cá nhân để xảy ra sự cố vỡ đập, gây hậu quả/thảm họa.
Một câu chuyện khác đó là nếu nhà đầu tư bất chấp quy trình an toàn, “đốt cháy giai đoạn” để sớm phát điện. sớm sinh lợi, bỏ qua tuân thủ các quy định về an toàn cho thi công mùa lũ và quy định an toàn khác, hậu quả sẽ là khó lường.
Trân trọng cám ơn tiến sỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận