Các chuyên gia luật pháp cho rằng, việc xây dựng luật riêng bảo vệ nhân chứng trong các vụ án là cần thiết, bởi những quy định hiện hành dù có nhưng chưa đầy đủ.
Vì lý do này nên hiện nay không ít người khi được mời làm chứng tại tòa rất e ngại việc bị trả thù.
Không ít phiên tòa đã phải hoãn do nhân chứng không đến đối chất vì lo ngại mình hoặc người thân bị liên lụy, bị trả thù
E ngại phiền phức, lo sợ trả thù
Từng chứng kiến một vụ đánh nhau gây thương tích của hai gia đình hàng xóm, khi công an lấy lời khai ban đầu, chị Q.H (ở phường Lộc Hạ, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đã ký tên vào biên bản lời khai.
Nhưng sau đó, một bên hàng xóm có vẻ tức giận, thường xuyên chửi bới, bóng gió chị: “Không biết mà nói linh tinh”, “họa từ miệng mà ra”...
Vì vậy, khi nhận được giấy triệu tập của tòa án mời lên dự tòa, chị Q.H ngại ngần, không muốn dính dáng vụ việc này vì sợ trả thù.
Tháng 10/2020, TAND huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Giàng Chẩn Diu (51 tuổi, trú thôn Súng Sảng, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần) có tranh chấp nương trồng ngô với một hộ gia đình khác trong thôn.
Tại phiên xử, bố của anh Thào Seo Sì (30 tuổi) là ông Thào Chính Dí có mặt với tư cách nhân chứng đã xác nhận khu vực nương trồng không thuộc tài sản của nhà ông Diu.
Bực tức, đêm 30/10, ông Diu rủ 4 con trai cầm theo búa, dây thừng đến nhà ông Dí, nhưng nhà khóa cửa. Thấy vậy, 5 bố con ông Diu sang nhà ông Thào Seo Sáng (em ruột của ông Dí, ở sát nhà) và gặp anh Sì.
Tại đây, bố con Diu dùng dây thừng mang theo siết cổ ông Sáng và anh Sì đến chết, rồi treo cổ 2 nạn nhân lên xà nhà tạo hiện trường giả.
Hiện 5 đối tượng gây tội ác đã bị bắt giữ và sẽ phải trả giá trước pháp luật về sự tàn ác trên, nhưng câu chuyện cũng thêm một lần nữa đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về bảo vệ nhân chứng.
Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị cho biết, không ít phiên tòa mà ông đã từng tham gia phải hoãn do nhân chứng không đến đối chất. Lý do là bởi nhân chứng lo ngại mình hoặc người thân bị liên lụy, bị trả thù.
“Đây là thực tế có thật và khá phổ biến, cần phải có sự điều chỉnh để bảo vệ tốt hơn, khuyến khích nhân chứng hợp tác với cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ án”, luật sư Lực nói.
Đề xuất có luật riêng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mới đây, đại diện Viện KSND Tối cao đã đề xuất Chính phủ chương trình nghiên cứu, xây dựng một luật riêng về bảo vệ nhân chứng.
Đây không phải là lần đầu tiên phía cơ quan tư pháp đề xuất xây dựng một luật riêng về bảo vệ nhân chứng. Bởi dù Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 đã có Chương 34 quy định về các biện pháp bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm, bị hại và người tham gia tố tụng khác, nhưng các quy định pháp luật này được nhiều chuyên gia cho rằng chưa đầy đủ, chưa tạo được cơ chế khuyến khích nhân chứng hợp tác với cơ quan chức năng.
Nếu xây dựng được Luật Bảo vệ nhân chứng sẽ có những quy định toàn diện, đầy đủ hơn đối với việc bảo vệ nhân chứng, người tố giác tội phạm cũng như những người tham gia tố tụng.
Việc này không những nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nhân chứng trong những vụ án mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Nhà nước nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nói riêng, qua đó thúc đẩy tinh thần tự giác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
PGS. TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao
“Với quy định hiện hành, xét về tổng thể, quyền của nhân chứng bị hạn chế hơn so với những người tham gia tố tụng khác. Luật không quy định thời hạn quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ nhân chứng kể từ khi nhân chứng gửi đơn đề nghị bảo vệ. Do đó, có thể dẫn đến việc áp dụng bảo vệ tùy tiện, không kịp thời, thậm chí không muốn áp dụng khi vụ án có nhiều nhân chứng đề nghị bảo vệ vì liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất”, một cán bộ Tòa án nhân dân phân tích.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, cần có quy định mở rộng một số quyền cho nhân chứng như: Quyền được mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quyền được xem biên bản tố tụng, quyền được đối đáp khi tham gia tranh luận… Cũng cần bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định bảo vệ nhân chứng khi nhận được đề nghị bảo vệ.
Để nhân chứng tránh khỏi tâm lý lo sợ bị can, bị cáo biết việc mình làm chứng dẫn đến bị trả thù, luật sư Lực đề xuất bổ sung quy định về các trường hợp không được tiết lộ hoặc tiết lộ hạn chế thông tin liên quan đến nhận dạng hoặc nơi ở của nhân chứng.
Đồng thời, có thể để nhân chứng đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói qua âm thanh, hình ảnh trực tuyến... để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân chứng và bị can, bị cáo.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng, ngoài những quy định bảo vệ nhân chứng còn cần phải có những quy định về chế độ đãi ngộ với những người tham gia tố tụng này.
“Hiện không có quy định về quyền của người lao động phải bỏ công việc tham gia làm chứng trong vụ án được hưởng nguyên lương. Từ đó, người làm chứng ở phương diện nào đó lại phải chịu thiệt thòi khi bỏ công sức để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử”, luật sư Hậu nêu vấn đề.
Luật sư Hậu cũng cho biết, theo quy định hiện hành, việc thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác của nhân chứng mới chỉ áp dụng cho quá trình giải quyết vụ án hình sự, mở rộng cho mọi nhân chứng khi tham gia giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Ngoài ra, hiện nay muốn được thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác, nhân chứng phải có đơn yêu cầu. Do đó, có thể sửa đổi theo hướng cơ quan có thẩm quyền chủ động thanh toán chi phí cho nhân chứng khi họ tham gia các hoạt động tố tụng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận