Xe qua trạm nhanh hơn
Thường xuyên lưu thông trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tài xế xe khách Nguyễn Văn Tài (chạy tuyến TP.HCM - Nha Trang) chia sẻ, việc bỏ barie đầu vào tại trạm thu phí giúp phương tiện qua trạm nhanh hơn.
"Cần nhân rộng mô hình này và tiến tới bỏ luôn barie", anh Tài nói.
Từ tháng 5/2024, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với 4 trạm thu phí được thí điểm thu phí theo mô hình đầu vào vào không có barie, đầu ra có barie và không có làn thu phí hỗn hợp.
Ngày 29/10, ghi nhận tại trạm thu phí nhánh ra nút giao Phan Rang (Ninh Sơn, Ninh Thuận) cho thấy, hầu hết các xe qua đây đều đã dán thẻ VETC, Epass nên lưu thông dễ dàng qua trạm.
Ông Đạo Văn Thủy, Phó giám đốc điều hành, quản lý vận hành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, trung bình có khoảng 7.000 lượt xe/ngày.
Sau 6 tháng thí điểm, hệ thống camera kết nối, nhận diện biển số xe đạt độ chính xác cao.
Xe qua các trạm thuận lợi, không xảy ra ùn ứ, chỉ xảy ra một số trường do lỗi chủ quan của tài xế như lỗi dán thẻ, tài khoản không có tiền...
Tương tự, sau 8 tháng thí điểm trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, theo đánh giá của đơn vị quản lý, các tiêu chí đều đạt theo yêu cầu của Cục đường bộ VN.
Ghi nhận tại trạm thu phí nút giao Suối Dầu (Km 14+755), xe ra vào cao tốc qua các làn nhịp nhàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số xe hết tiền trong tài khoản giao thông.
Dán thẻ không hợp lệ, tài khoản không đủ tiền
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, việc không cần xây dựng cabin thu phí làn vào, không bố trí nhân viên thu phí và thiết bị liên quan giúp tiết kiệm nhiều chi phí.
Thống kê của Cục Đường bộ VN, hiện số lượng phương tiện đã dán thẻ thu phí không dừng trên toàn quốc đạt hơn 5 triệu xe ô tô các loại, tương đương hơn 95% tổng lượng phương tiện đang lưu hành.
Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít xe dán thẻ không hợp lệ, tài khoản giao thông không đủ tiền, gây khó trong vận hành tại các làn đầu ra.
Việc đồng bộ dữ liệu giữa hai nhà cung cấp dịch vụ hai tuyến chưa ổn định, dẫn đến phương tiện sử dụng dịch vụ VETC khi vào trạm kết nối dịch vụ của nhà cung cấp VDTC bị chậm và ngược lại.
Cục Đường bộ VN cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình bỏ barie đầu vào tại 2 dự án cao tốc cho thấy còn gặp một số vướng mắc trong vận hành, phối hợp xử lý.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, những tồn tại phổ biến gồm: Phương tiện chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, có 2 tài khoản, không có thông tin đầu vào, không đọc được thẻ.
Trong đó, phổ biến nhất là xe chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, gây ùn tại các làn đầu ra.
Việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa các tuyến giai đoạn đầu còn chậm dẫn đến bị lỗi đầu vào, xe phải chờ lâu tại đầu ra, ảnh hưởng đến các phương tiện di chuyển phía sau.
Nguyên nhân do đây là mô hình thu phí mới nên thời gian đầu thí điểm đã phát sinh các trường hợp không có trong kịch bản.
Nhiều phương tiện không đủ điều kiện, không có thông tin đầu vào nên phải tăng cường hậu kiểm, đối soát để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, các lỗi kỹ thuật cơ bản được khắc phục kịp thời.
Hoàn thiện giải pháp kỹ thuật
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tới đây vẫn cần đồng bộ dữ liệu giữa các nhà cung cấp dịch vụ, tránh việc xe của nhà cung cấp này bị lỗi khi qua trạm của nhà cung cấp khác.
"Tại điểm kết nối giữa các dự án nên lắp đặt thiết bị thu phí ETC phân tách giữa các tuyến khác nhau, để nhà đầu tư kiểm soát được doanh thu khi xe đi qua tuyến của mình.
Cùng đó, xây dựng quy chế phối hợp giữa các nhà đầu tư, đồng bộ dữ liệu giữa các nhà thầu Front End, nhà cung cấp dịch vụ Back End, đảm bảo công tác thu phí thuận lợi, hiệu quả hơn", ông Tuấn Anh đề xuất.
Theo ông Tô Nam Toàn, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được kết nối, tổ chức thu phí liên thông theo phương thức thu phí kín với toàn bộ các trạm thu phí trên tuyến được áp dụng thí điểm mô hình hệ thống thu phí điện tử không dừng "đầu vào ETC đa làn tự do (không có barrie), đầu ra ETC đơn làn (có barrie), không có làn MTC".
Chỉ số đánh giá hiệu năng vận hành (KPI) hệ thống thu phí điện tử không dừng các làn đầu vào đa làn tự do trên tuyến đã đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, trên 2 tuyến này được phê duyệt thiết kế kỹ thuật với 3 giải pháp lắp đặt thiết bị khác nhau, mỗi giải pháp cho kết quả KPI theo từng chỉ số chưa đồng đều.
Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giải pháp kỹ thuật bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, phù hợp với thực tế triển khai khi kết nối thu phí kín liên tuyến, làm cơ sở hoàn thiện mô hình, trước khi áp dụng đại trà cho các đoạn tuyến cao tốc.
Khi nào bỏ toàn bộ barrie?
Dự kiến lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC của Bộ GTVT sẽ qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, được thực hiện từ năm 2016 - 2023, các trạm thu phí vẫn có barie, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở.
Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2024 - 2025, không còn barie, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí.
Giai đoạn 3 từ năm 2026 trở đi, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên, các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.
Còn theo Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thu phí không dừng sẽ chuyển sang giai đoạn 2 - cho phép trả sau khi đạt từ 95% phương tiện dán thẻ thu phí không dừng; chuyển sang giai đoạn 3 - bỏ barie và tiến tới bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá để xe qua tự do.
Như vậy, mô hình của trạm thu phí dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới ở mức tiệm cận tới giai đoạn 2, khi bỏ barie ở lối vào nhưng vẫn duy trì để kiểm soát phương tiện ở đầu ra.
Tuy vậy, ông Tô Nam Toàn cho hay, việc thí điểm bỏ barie đầu vào là bước chuyển cho việc thu phí trả sau.
Về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể đáp ứng, tuy nhiên điều kiện quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý xử lý các trường hợp như xe không dán thẻ, trong tài khoản không có tiền, cơ chế phối hợp truy thu phương tiện không trả phí.
"Khi đó mới có đủ cơ sở cho việc chuyển thu phí không dừng sang giai đoạn 2", ông Toàn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận