Khái niệm “sống chung với dịch” gần đây được nhắc đến nhiều, nhất là khi nhiều địa phương đã chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch cụ thể cho giai đoạn sau giãn cách xã hội.
Theo tôi, việc quan trọng nhất là cần xác định đích rõ ràng để hướng tới, bởi còn lúng túng định hướng đích thì còn khó có phương án giải quyết.
Người dân cần nghiêm túc thực hiện 5K, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Ảnh: TTXVN
Nếu trước đây đích hướng tới là “vét sạch F0 trong cộng đồng”, thì nay đích đó không còn khả thi và hợp lý nữa. Vậy, đích cần xác định có thể là: “Chung sống an toàn, giảm thiểu thấp nhất tử vong và dập từng ổ dịch Covid-19”.
Để “sống chung với dịch” an toàn, cần đảm bảo các chỉ tiêu sau: Trước tiên là nâng tỷ lệ người dân thực hiện 5K, ngay cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng cần đảm bảo nguyên tắc này. Trên thực tế, việc này không được thực hiện nghiêm, chúng ta có thể thấy rất rõ.
Tiếp đến là giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19; tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, trong đó ưu tiên hàng đầu nhóm dễ tổn thương (người có bệnh nền, người trên 60 tuổi), tiếp tục bao phủ vaccine lứa tuổi 18-59 và cuối cùng là ở trẻ em. Riêng với người cao tuổi và mắc bệnh nền, bảo vệ được nhóm này cũng đồng nghĩa kéo giảm tỷ lệ tử vong. Đây là nhóm người cần được ưu tiên tiêm vaccine hàng đầu.
Đồng thời, cần có đầy đủ dữ liệu y tế và dịch tễ liên quan tới tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng (số ổ dịch mới bùng phát; số mắc mới trên 100.000 dân…).
Tiếp đến là thực hiện phân quyền trong xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19. Với xét nghiệm, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nếu phát hiện ổ dịch cần khoanh vùng hẹp, cách ly tại cộng đồng (hạn chế tối đa tập trung).
Bên cạnh đó, nên để người dân tự tiếp cận kit test ngay tại các nhà thuốc với hình thức trợ giá, bán 90 nghìn đồng/kit test, hướng dẫn cả nhà làm gộp 1 mẫu.
Trong trường hợp kết quả dương tính thì y tế mới vào làm xét nghiệm riêng… Để dân tự tiếp cận, khi nào họ cảm thấy có nguy cơ là tự làm, thuận lợi hơn là bắt họ đi xét nghiệm tập trung, nguy cơ lây nhiễm hiện hữu nếu không đảm bảo an toàn.
Với điều trị, những ai đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà thì ở nhà (theo quy định của Bộ Y tế), bởi số đó không thuộc nguy cơ bị nặng.
Tuy nhiên, cần phải đảm bảo dù điều trị ở nhà nhưng vẫn phải được y tế chăm sóc, phòng những trường hợp có thể trở nặng.
Như vậy, mỗi địa phương cần xây dựng mạng lưới y tế cơ sở kết hợp với đội liên ngành (đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… tất cả đều phải được tập huấn) để hỗ trợ kịp thời nhu cầu của F0 điều trị tại nhà.
Mặt khác, nên phân tầng điều trị rõ ràng với 3 cấp độ (nhẹ, không triệu chứng - trung bình - nặng, nguy kịch) theo hình tháp và cần thiết phải có sự điều phối y tế chuẩn. Thiếu sự điều phối sẽ dễ dẫn đến quá tải và hệ lụy “domino” cho cả hệ thống, dễ gây hoảng loạn.
Cuối cùng, cần giám sát, đánh giá và ra quyết định lộ trình “bình thường mới”. Theo đó, cần phải xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá theo các mục tiêu: Cung cấp dữ liệu và tiêu chí để mở/đóng theo từng cấp độ; Các tiêu chí khoanh vùng cụ thể hẹp nhất có thể. Tất cả tiêu chí này phải được công khai minh bạch để người dân hiểu và đồng thuận tuân theo.
PGS.TS. Phạm Viết Nhung
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận