Vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo thông báo từ Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải, vào cuối năm nay, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ chuyển sang thu phí không dừng hoàn toàn.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên áp dụng hình thức thu phí bỏ barie và cabin thu phí tại đầu vào.
Lối vào trạm của tuyến được bố trí 1 làn ETC và làn dừng khẩn cấp, không có barie và cabin thu phí.
Thiết bị camera gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ô tô qua trạm để trừ tiền. Ở lối ra được điều chỉnh 2 làn ETC và 1 cabin thu phí, 1 barie tự động để kiểm soát phương tiện.
Dự kiến lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC của Bộ GTVT sẽ qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, được thực hiện từ năm 2016 - 2023, các trạm thu phí vẫn có barie, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở.
Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2024 - 2025, không còn barie, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí.
Giai đoạn 3 từ năm 2026 trở đi, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên. Các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.
Như vậy, mô hình của trạm thu phí dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP Nha Trang - Cam Lâm mới ở mức tiệm cận tới giai đoạn 2, khi bỏ barie ở lối vào nhưng vẫn duy trì để kiểm soát phương tiện ở đầu ra.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ VN) cho hay, qua thời gian vận hành thu phí không dừng cho thấy, đối với một tuyến riêng lẻ, việc kiểm soát đầu vào hiện không có nhiều ý nghĩa.
Vì vậy, trước khi triển khai đồng loạt 12 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường bộ VN đã cho phép bỏ barie, phương tiện chạy đa làm tự do đầu vào và chỉ kiểm soát đầu ra trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
"Nếu chỉ có cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, mô hình thu phí bỏ barie sẽ khả thi. Khi thu phí liên tuyến với các dự án thành phần khác trên cao tốc Bắc - Nam sẽ phát sinh một số tình huống cần phải xử lý.
Vì vậy, tạm thời vẫn duy trì barie đầu vào để kiểm soát phương tiện không đủ điều kiện, như không có hoặc không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Về lâu dài sẽ bỏ barie, song quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện", ông Toàn cho hay.
Theo ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, để chuyển đổi theo lộ trình, còn rất nhiều nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu như: xử lý các tình huống tài khoản không có hoặc không đủ tiền, biển số bị mờ, chủ phương tiện cố tình che biển số hay chạy quá tốc độ…
Cùng đó, rà soát về mặt công nghệ, thiết bị tại các dự án đã đang vận hành, đảm bảo tính thống nhất, kết nối toàn hệ thống.
Thí điểm tại 3 dự án PPP
Đối với 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các nhà quản lý mong muốn khi triển khai thu phí sẽ chuyển sang giai đoạn 2 của thu phí tự động không dừng.
Ông Nguyễn Quang Giang cho biết, hiện có 2 mô hình được đề xuất.
Cụ thể, mô hình 1: tại đầu vào làn thu phí không dừng xe chạy đa làn tự do, không có barie, đầu ra vẫn duy trì barie và không có làn thu phí hỗn hợp.
Mô hình 2: Tại nhánh ra, vào cao tốc, phương tiện chạy đơn làn có barie và không có làn thu phí hỗn hợp.
Về kỹ thuật hoàn toàn có thể đáp ứng bỏ barie, tuy vậy để thu phí không dừng chuyển sang giai đoạn 2 còn nhiều vướng mắc về pháp lý, nhất là chế tài cho việc trả tiền sau.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xin chủ trương, nhanh thì cũng đến năm 2025 mới bắt đầu triển khai thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc mới. Trong thời gian đó, Cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu trình cấp thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ VN)
"Mô hình 1 phù hợp với lộ trình triển khai thu phí tự động không dừng mà Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội.
Mô hình 1 có nhiều ưu thế hơn do giảm được chi phí đầu tư nhà trạm, chi phí mua sắm cabin, barie, cột tín hiệu tại lối vào. Đồng thời, thuận tiện hơn để chuyển sang mô hình thu phí đa làn tự do trong tương lai", ông Giang cho hay.
Trong khi chờ sửa Quyết định 19/2020 và các quy định pháp luật khác, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho các trạm thu phí không còn barie, phương tiện lưu thông tự do, nên thí điểm mô hình trạm thu phí không dừng đối với 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP là Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt theo hướng đầu vào không có barie, đầu ra vẫn duy trì và không có làn thu phí hỗn hợp.
Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá để đủ cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền chuyển sang giai đoạn cao hơn.
Theo ông Giang, với các tuyến cao tốc liền kề nhau như Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo không nên lắp đặt trạm thu phí trên tuyến chính giữa hai tuyến cao tốc, tổ chức thu phí kín liên thông và phân chia doanh thu tương tự như đang áp dụng tại đoạn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
"Để đảm bảo vận hành thu phí kín trên các đoạn ngắn độc lập như Diễn Châu - Bãi Vọt khi các tuyến cao tốc liền kề (được đầu tư bằng vốn ngân sách chưa thông qua chủ trương thu phí) chưa liên kết với nhau, có thể xây trạm thu phí tạm thời trên tuyến chính để đảm bảo hoạt động độc lập.
Tại mỗi trạm thu phí, xây dựng nhà trạm tinh gọn để sẵn sàng chuyển sang giai đoạn đơn làn, đa làn tự do", ông Giang đề xuất.
Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động ETC, vấn đề phức tạp nhất khi thu phí liên tuyến là thu hồi nợ. Bởi lúc này, do không có barie nên phương tiện không có tiền trong tài khoản vẫn lưu thông được qua nhiều dự án.
"Để chuyển được sang giai đoạn 2, xe chạy đa làn tự do, bỏ barie cần có cơ chế thu hồi nợ đối với các trường hợp phương tiện không có hoặc không đủ tiền trong tài khoản giao thông. Chỉ cần có cơ chế thu hồi nợ sẽ bỏ được barie tại trạm thu phí", ông Vinh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận