Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Trưởng đoàn kiểm tra xung quanh kết quả chuyến kiểm tra này.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng kiểm tra tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội sáng 25/10. Ảnh: Trần Duy
Hành khách ít, địa phương còn e dè
Ông đánh giá thế nào về kết quả sau 2 ngày kiểm tra mở lại vận tải ở một số tỉnh phía Bắc?
Cơ bản các địa phương đã có kế hoạch triển khai và thực hiện khá nghiêm túc mở lại vận tải hành khách theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn tổ chức lại vận tải hành khách của các phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.
Các sở GTVT chủ động báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng công bố cấp độ dịch của tỉnh làm căn cứ tổ chức hoạt động vận tải theo lộ trình các văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT.
Việc các địa phương triển khai thực hiện nhuần nhuyễn, kịp thời, hiệu quả trong kiểm soát công bố cấp độ dịch hàng ngày đến cấp xã, thậm chí thấp hơn cấp xã cần có thời gian để địa phương làm quen. Sau khi 63 tỉnh, thành phố công bố theo cách này, Bộ GTVT có thể để các địa phương tổ chức vận tải mà không nhất thiết phải có thỏa thuận giữa Sở GTVT hai đầu bến.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Theo ông, việc mở lại vận tải hành khách của các tỉnh, thành phố đã được như kỳ vọng hay chưa?
Thực tế kiểm tra cho thấy, trong thời gian thí điểm cũng như thực hiện Nghị quyết 128 một số địa phương còn thận trọng trong chấp thuận mở lại các tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh.
Một số tỉnh như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh đã gửi đề nghị tới các địa phương mở lại vận tải khách liên tỉnh nhưng chưa được chấp thuận.
Đơn cử như Hà Nội, đến thời điểm ngày 25/10 mới có 4 tỉnh đã thống nhất với Hà Nội hoạt động thí điểm.
Bên cạnh đó, một số tỉnh vẫn còn khá e dè khi mở lại vận tải khách liên tỉnh với các tỉnh phía Nam. Tỉnh Hải Dương mới chấp thuận mở lại với các tỉnh từ Huế trở ra...
Về vấn đề này, Bộ GTVT cần có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất quan điểm chỉ đạo các sở GTVT căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương đã công bố mở lại vận tải khách liên tỉnh mà không cần có sự chấp thuận của sở đầu tuyến.
Thêm nữa, tại một số tỉnh đã hoạt động bình thường, số chuyến xe và hành khách cũng rất ít.
Tại Hà Nội từ ngày 13/10 - 23/10 có 82 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.300 hành khách. Hay tỉnh Hải Dương có 23 phương tiện hoạt động trở lại với số lượng chỉ 28 hành khách.
Đối với Đường sắt, tuyến Hà Nội - Hải Phòng duy trì 2 chuyến/ngày với tổng số gần 4.000 hành khách, đáp ứng đủ cho đơn vị vận chuyển thực hiện khai thác.
Việc kiểm soát dịch đối với khách tại ga đi, trên tàu và ga đến được thực hiện tốt. Khách đi từ vùng cấp độ 3, cấp độ 4 đến Hải Phòng được xếp ngồi toa riêng và xuống tàu sau cùng, thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Đối với hàng không, lịch trình mở lại các chuyến bay diễn ra thuận lợi. Việc thực hiện các quy định quản lý hành khách đi đến tại CHK được thực hiện nghiêm.
Các CHK như Cát Bi, Vân Đồn có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương quản lý khách về từ vùng 3, vùng 4 và vận chuyển hành khách từ sân bay về nhà bàn giao cho địa phương quản lý.
Một số địa phương vẫn duy trì các điểm kiểm tra y tế tại các cửa ngõ như Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong khi đó, Thái Bình đã bỏ hết các chốt và kiểm tra tại cơ sở.
Tuy nhiên, chỉ có Thái Bình là chưa sử dụng mã QR Code để việc kiểm soát khai báo y tế trên phương tiện mà chỉ yêu cầu lập danh sách hành khách.
Ông Khuất Việt Hùng kiểm tra tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng
Dường như một số địa phương có sân bay đang lúng túng trong việc đưa khách từ sân bay về nhà theo yêu cầu của địa phương, điều đó có đúng không, thưa ông?
Hướng dẫn của Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương tự xây dựng phương án kết nối vận tải giữa đường bộ với các nhà ga, CHK.
Tuy nhiên, đơn cử như Hải Phòng cho phép xe taxi đưa khách từ CHK Cát Bi về nhà với điều kiện tài xế tiêm 2 mũi vaccine, xe phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Hành khách di chuyển bằng máy bay đa số từ các tỉnh phía Nam ra, vẫn có nguy cơ dương tính. Khi lái xe taxi chở phải những khách này, họ phải đi cách ly tập trung và tự trả phí. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại và lái xe taxi bỏ việc, dẫn tới thiếu xe.
Với số chuyến bay, chuyến tàu như hiện nay, số lượng taxi đáp ứng đủ yêu cầu nhưng nếu tăng thêm trong thời gian tới vẫn sử dụng xe taxi của tỉnh có CHK sẽ không đủ.
Cần có sự thống nhất, nếu tỉnh có CHK đảm bảo được lượng xe kết nối phục vụ tất cả các chuyến bay thì phải cam kết. Trường hợp ngược lại phải cho phương tiện của tỉnh khác được đón khách của tỉnh mình tại CHK.
Không cần thỏa thuận mở lại vận tải
Ông Khuất Việt Hùng kiểm tra tại ga đường sắt Hải Phòng
Thực tế hiện nay, để mở lại vận tải khách liên tỉnh phải có sự đồng ý của cả hai địa phương, ông có cho rằng việc này gây khó cho vận tải?
Như tôi đã nói ở trên, các địa phương vẫn đang nghe ngóng và từng bước triển khai, thực hiện một cách khá thận trọng.
Tuy nhiên, nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ, đảm bảo khả năng kiểm soát, cập nhật và công bố cấp độ dịch đến cấp xã kịp thời và Bộ Y tế chỉ đạo thống nhất thì sẽ đảm bảo mở lại vận tải khách bình thường mà không cần có thỏa thuận mới.
Qua kiểm tra thực tế, ông có thấy rằng lượng khách di chuyển bằng đường sắt, hàng không có vẻ nhiều hơn đường bộ? Có phải hai phương thức này kiểm soát dịch tốt hơn đường bộ?
Hành khách đi bằng tàu bay ngồi trong khoang kín, thời gian dài nên yêu cầu được kiểm soát y tế nghiêm ngặt hơn, tối thiểu hành khách phải xét nghiệm âm tính.
Số khách trên chuyến bay hay chuyến tàu tương đối đủ khách theo quy định. Nhưng cũng cần thấy rằng số chuyến tàu, chuyến bay còn ít, phải bố trí đủ khách mới bay hay chạy tàu được.
Khó so sánh khách đi các phương thức nhiều hay ít. Khi các địa phương mở lại khách sẽ đi nhiều thêm. Việc đặt vé của hành khách đi bằng hàng không, đường sắt đã được thực hiện thời gian dài và có tính chính quy hơn đường bộ. Đối với đường bộ, người dân vẫn còn e ngại.
Nguyên nhân do những thông tin về các biện pháp kiểm soát dịch, điều kiện được đi lại giữa các địa phương chưa được công bố rộng rãi, cập nhật kịp thời đến với người dân.
Thêm nữa, khi nơi nào đó xuất hiện một vài ca dương tính thì tiến hành phong tỏa nên người dân vẫn còn e dè. Trong khi đó khách đi bằng hàng không biết rõ các điều kiện phòng chống dịch mà họ được ứng xử.
Ông Khuất Việt Hùng kiểm tra tại cảng khách quốc tế Tuần Châu, Quảng Ninh
Ông thấy việc ứng dụng công nghệ của các tỉnh trong kiểm soát dịch hiện ra sao, đã đồng đều, hiệu quả chưa?
Các tỉnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch rất khác nhau. Cơ bản các tỉnh hiện nay đều áp dụng ứng dụng PC-Covid. Tuy nhiên, Quảng Ninh có hệ thống thiết bị camera riêng tự động quét mã QR Code và nhận diện người dân.
Tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trong trường hợp tới đây khi hoạt động vận tải được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GTVT, đòi hỏi các tỉnh phải nâng cao năng lực công nghệ hơn nữa, đảm bảo mỗi xe vận tải khách chỉ có 1 mã QR Code với đầy đủ thông tin của lái xe, hành khách.
Chỉ cần lái xe quét mã này mà không cần tất cả hành khách xuống xe khai báo, giảm được ùn tắc tại các chốt kiểm tra y tế.
Để mở lại vận tải theo cách bình thường và bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, giải pháp căn cơ là gì, thưa ông?
Trước tiên, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về phòng chống dịch, như thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế trước chuyến đi.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động, khi có điều kiện phải tiêm vaccine.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân. Chính phủ, Bộ Y tế đẩy nhanh ngoại giao vaccine, mua vaccine cung cấp cho các địa phương để đạt được mức độ tiêm vaccine, tiến tới trên 70% dân số được tiêm 2 mũi ở tất cả các địa phương.
Trong hoạt động vận tải, tất cả đơn vị vận tải đều phải có kế hoạch phòng chống dịch, chủ động ứng dụng công cụ PC-Covid để khai báo y tế cho lái xe, hành khách.
Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành GTVT, Y tế, Công an trong thực hiện phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trong đó thống nhất quan điểm của Chính phủ chỉ sử dụng phần mềm PC-Covid trong toàn bộ các hoạt động kiểm soát y tế, không chỉ trong vận tải mà ở các trung tâm thương mại, điểm dịch vụ đều phải có mã QR code và khai báo qua PC-Covid.
Đồng thời, cung cấp dữ liệu cho y tế cơ sở, có thông tin kiểm soát dịch của công dân di chuyển giữa các địa bàn kịp thời, chính xác cho y tế cơ sở kiểm soát.
Cảm ơn ông!
Ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không). Thời gian kiểm tra trong quý IV/ 2021 và bắt đầu từ ngày 25/10.
Đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn, kiểm tra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam (từ Thanh Hóa trở vào).
Đoàn kiểm tra số 2 do Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng làm trưởng đoàn, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra phía Bắc.
Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo các thành viên đoàn kiểm tra tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận