Xã hội

Cần giảm bao cấp hội, đoàn thể để “cứu” ngân sách

09/11/2017, 08:05

Tổng ngân sách mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng

23416014_656018408120011_313497883_n

Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, tổng ngân sách mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng. Vì vậy, theo ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cùng với việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy cơ quan Nhà nước, việc xem xét cắt giảm ngân sách hàng năm chi cho các hội - đoàn thể cũng là một biện pháp hạn chế bội chi.

Hội - đoàn thể cũng có biên chế được trang bị trụ sở, xe cộ

Hội - đoàn thể thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, tổng ngân sách mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng. Ông suy nghĩ gì về con số trên?

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các hệ thống hội - đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội, được tổ chức theo mô hình song song như các cơ quan hành chính, có biên chế, trụ sở, xe cộ, được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.

Về nguyên tắc, ngân sách được thu từ thuế và chỉ được chi cho các hoạt động quản lý nhà nước, việc chi cho các hội - đoàn chỉ là hỗ trợ. Theo đó, công việc nào có liên quan đến quản lý nhà nước thì ngân sách có thể chi trả. Còn những công việc nào liên quan đến hoạt động riêng của hội - đoàn nào thì các hội viên của hội - đoàn ấy phải đóng hội phí để cân đối. Nhưng, thời gian qua, hầu như ngân sách phải hỗ trợ ngày càng tăng cho các hội - đoàn, từ chi phí đi lại, trụ sở, kinh phí hoạt động và chi trả cho bộ máy, khiến gánh nặng ngân sách ngày càng lớn.

Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào và cách nào để hạn chế trong bối cảnh ngân sách hiện nay đang rất eo hẹp?

Thực trạng này xuất phát từ việc chúng ta chưa xác định minh bạch vai trò của các hội - đoàn và ranh giới đâu là các hoạt động quản lý nhà nước mà các hội - đoàn tham gia, đâu là hoạt động mang tính nội bộ của các hội - đoàn, để từ đó có căn cứ chi hỗ trợ theo đề nghị của các hội - đoàn. Vì vậy, cần tách bạch vấn đề này, để xác định mức chi hỗ trợ cho những hội - đoàn có các hoạt động tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần quản lý xã hội tốt hơn.

15

Trụ sở Hội Nông dân Việt Nam

Chưa cân đong được hoạt động

Có ý kiến cho rằng, dù được rót kinh phí hàng năm rất lớn song các hội - đoàn còn hoạt động chủ yếu theo hướng hành chính hoá, không hiệu quả và rất hình thức. Quan điểm của ông thế nào?

Hầu như chúng ta chưa cân, đong, đo, đếm được những hoạt động của các hội - đoàn tác động đến vai trò quản lý xã hội của Nhà nước như thế nào. Chính vì vậy, Nhà nước đang phân bổ một cách thiện chí, tức là hỗ trợ cho các hội - đoàn để có nguồn chi cho hoạt động quản lý nội bộ của họ.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu hội - đoàn chỉ là tổ chức nghề nghiệp thuần tuý để tổ chức giúp đỡ các hội viên thực hiện phát triển nghề nghiệp, hay để cùng nhau thực hiện tốt một lĩnh vực nào đó mà các hội viên quan tâm thì họ phải tự trang trải bằng phí do hội viên đóng góp.

Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở xem xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội - đoàn cụ thể và tác động của nó đối với lợi ích chung.

Để thực hiện chủ trương xóa bỏ dần bao cấp với các hội - đoàn để không còn bám vào “bầu sữa” ngân sách, theo ông giải pháp là gì?

Trong bối cảnh hiện nay, cần phải tách bạch các hội - đoàn nào có vai trò tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước, còn hội - đoàn nào chỉ có tính chất nghề nghiệp, hay thành lập theo xu hướng, sở thích của các hội viên, thì các hội - đoàn ấy phải tự huy động nguồn thu để cân đối chi. Thậm chí, cần rà soát lại vai trò và tầm ảnh hưởng đối với xã hội của một số hội - đoàn để cân nhắc việc chỉ giữ lại ở cấp Trung ương.

Hiện nay chưa có những tiêu chí rõ ràng cho việc phân bổ ngân sách tài trợ cho hoạt động của các tổ chức này. Ngân sách rốt cuộc được phân theo kiểu cào bằng, chứ không dựa trên kết quả hay đầu ra đối với các hoạt động cụ thể. Cần nhìn nhận thẳng thắn như vậy mới có thể giảm dần, tiến tới bỏ chế độ bao cấp, cơ chế xin-cho và biên chế, tập trung vào hiệu quả hoạt động của các hội - đoàn; chỉ cấp ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, từng bước để các hội - đoàn tiến tới tự chủ trong hoạt động và tự cân đối được ngân sách.

Cảm ơn ông!

Theo Dự toán chi ngân sách T.Ư năm 2016, tổng chi cho các cơ quan T.Ư của 6 tổ chức chính trị - xã hội lên tới 1.503,740 tỉ đồng gồm: Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội Cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh HTX Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội - đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.