Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó trực tiếp là ngành du lịch và tác động dây chuyền đến hoạt động vận chuyển, doanh thu của các hãng hàng không. Ảnh minh họa: Thanh Bình
Chưa kịp phục hồi, du lịch lại “chết đứng”
Đó là than thở của đại diện Công ty TNHH Du Lịch Quốc Tế DMC Việt Nam khi cả trăm tour đã được đặt chỗ bỗng một ngày “bay” mất 95%.
Vị này kể, cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, để kích cầu, giá tour Phú Quốc và Nha Trang trong 3 ngày 2 đêm chỉ còn 2 triệu đồng (trước đó lần lượt là 5 và 10 triệu đồng).
“Nhưng đùng một cái, dịch ập đến, mọi hoạt động đều ngưng trệ, hy vọng hồi sinh coi như đổ sông đổ biển. Công ty chỉ duy trì vài nhân sự để xử lý vấn đề hoãn, hủy tour, còn lại gần 30 nhân viên đều phải nghỉ”, vị đại diện cho biết.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hanoitourism cũng cho biết, công ty “dính đòn” ngay trong dịp tưởng là “mùa gặt” của ngành du lịch (30/4 - 1/5).
Rất nhiều đoàn muốn tránh kỳ nghỉ này đã đặt lùi lịch lại đến ngày 7/5 - 20/5. Nhưng sau khi có thông tin dịch bùng phát, tất cả các đoàn khách hàng đều hủy tour. Một số đoàn báo lùi nhưng chưa biết lùi tới khi nào.
“Khó khăn tài chính là đương nhiên vì tiếp tục không có doanh thu, trong khi trước đó DN đã dồn tiền cho đợt kích cầu 30/4 - 1/5”, bà Ngần chia sẻ và cho biết thêm: Năm 2020, Hanoitourism lỗ khoảng 10 tỷ đồng, chủ yếu do duy trì nhân sự và giải quyết sự cố. Bốn tháng đầu năm nay, sau khi tiết giảm những chi phí có thể cắt giảm, mỗi tháng công ty vẫn lỗ khoảng 250 triệu đồng. “Nếu tiếp tục tình trạng này, dù DN lớn đến mấy cũng gục mất”, bà Ngần nói.
Không riêng du lịch, các ngành dịch vụ khác, từ vận tải, nhà hàng, khách sạn… cũng rơi cảnh tương tự. Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó TGĐ Ngân hàng Quân đội (MB) tại hội nghị tín dụng mới đây đánh giá, nhiều ngành nghề phục hồi khá tốt, duy chỉ có ngành dịch vụ, lưu trú và giao thông còn khó khăn.
Theo đánh giá của MB, đến hết tháng 3/2021, các DN thuộc các lĩnh vực khác đã trả nợ được khoảng 80% theo lịch cơ cấu, nhưng riêng các DN du lịch, lưu trú chỉ khoảng 20% dù đã được MB giảm thêm lãi suất. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với khách hàng khu vực này để cân đối việc cơ cấu nợ 12 hay 24 tháng thì thích hợp”, bà Hà nói.
Hiệu ứng các gói hỗ trợ còn chậm
Đánh giá về gói hỗ trợ Covid-19 đã được triển khai thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, nhiều DN đánh giá “Việt Nam đưa ra chính sách hỗ trợ rất nhanh”, tuy nhiên hiệu ứng không đồng nhất.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của DN. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Có chính sách đi vào cuộc sống ngay, mang lại lợi ích cho DN như việc giãn các loại thuế, phí gồm: Thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt… hay giảm tiền thuê đất ở một số địa phương.
Nhưng cũng có chính sách chậm đi vào cuộc sống, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Mặc dù ban hành từ tháng 4/2020 nhưng đến tháng 10/2020, hầu như không có DN nào tiếp cận được bởi điều kiện quá cao. “Sau khi Thủ tướng chỉ đạo rà soát, sửa đổi thì tỷ lệ DN tiếp cận được đã cải thiện, dù vẫn rất khiêm tốn”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, với chương trình cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021, NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội 42,9 tỷ đồng và ngân hàng này đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động có 11.276 người lao động ngừng việc. Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 39,66 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tú, NHNN vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ các DN khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Không chỉ trước đó mà hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn đang làm và thời gian tới vẫn tiếp tục làm”, ông Tú nói và cho biết: Tính đến cuối tháng 3/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng…
Về chính sách thuế, quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện cả năm đạt khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng).
Kỳ vọng gì vào gói hỗ trợ mới?
Đề cập đến các chính sách hỗ trợ DN trong thời gian tới, theo bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hanoitourism, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên DN có uy tín, được Tổng cục Du lịch đánh giá và công nhận, đồng thời vẫn hoạt động trong suốt đợt dịch để cho vay vốn.
“Nếu được thì cho vay 24 tháng hoặc ít nhất 12 tháng không tính lãi để DN có tiền “nuôi quân”, bởi hơn 1 năm nay bị dịch tác động nhưng ngân hàng không cho các DN du lịch vay vốn vì họ nhìn du lịch không có tương lai”, bà Ngần nêu.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty TNHH Du lịch Quốc tế DMC Việt Nam, nếu có gói hỗ trợ lần thứ 2, công ty không hy vọng sẽ được vay vốn dù đó là chính sách mà DN đang cần nhất, nhưng đề xuất được giảm tiền ký quỹ cho DN lữ hành; hỗ trợ giá điện áp dụng cho DN kinh doanh lưu trú về bằng giá điện sản xuất; giảm thuế VAT về mức thấp hơn...
Theo một chuyên gia kinh tế, có một nhóm giải pháp rất quan trọng, có lợi ích, công bằng cho tất cả DN mà Nhà nước cũng không cần bỏ ra nguồn lực quá lớn đó chính là cắt giảm chi phí thủ tục, chi phí thời gian, cắt giảm thủ tục hành chính; triệt để giảm thanh tra, kiểm tra không cấp bách, cấp thiết.
Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, những chính sách về gói hỗ trợ thứ 2 trong tình hình mới đã được ông báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây.
Trước đó, từ tháng 2/2021, Bộ KH&ĐT đã có văn bản xây dựng đề cương dự kiến các giải pháp báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo và đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH… có ý kiến cũng như đề xuất. Trên cơ sở rà soát các giải pháp trong năm 2020 sẽ đề xuất những giải pháp, kiến nghị mới. Hiện Bộ KH&ĐT đang chờ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để có báo cáo chung.
Phía Bộ Tài chính cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Trong đó, trước mắt sẽ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không, ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỷ đồng; tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2021 với số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng;
Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44 hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN áp dụng cho năm 2020 và 2021.
Ước tính số tiền thuế DN được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2020, đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng. Với gói hỗ trợ mới, Bộ đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ sớm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận