Chuyện dọc đường

Cần hài hòa lợi ích

08/08/2016, 13:49

Dù còn một số bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để các dự án PPP nói chung và BOT giao thông...

2

Khó nhà đầu tư nào còn làm được dự án PPP trước quy định mức lãi suất vốn vay theo Thông tư 55 của Bộ Tài chính (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Ngô Vinh

Dù còn một số bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để các dự án PPP nói chung và BOT giao thông nói riêng đạt được hiệu quả hơn nhưng không thể phủ nhận, trong bối cảnh các nguồn vốn từ ngân sách rất hạn hẹp, việc huy động vốn PPP là rất cần thiết.

Thực tế, khoảng 5 năm qua, Bộ GTVT đã huy động được gần 200 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn này, chiếm khoảng 40% trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, giảm nợ công, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa gần đây nhiều lần khẳng định, sau khi tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương, các dự án đầu tư theo hình thức BOT thời gian tới phải đáp ứng ba nguyên tắc: Dự án phải là tuyến đường mới, dự án phải đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và dự án nào thì lên phương án tài chính cho dự án đó, không thể có chuyện đường làm chỗ này, thu phí chỗ khác. “Quan điểm của Bộ GTVT là tới đây các dự án BOT sẽ cần sự giám sát của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Điều đó cho thấy, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không có chuyện buông lỏng mà tới đây còn tiếp tục siết chặt hơn công tác quản lý, để phát huy hơn nữa đối với hình thức đầu tư này. Cũng với động thái siết chặt quản lý các dự án PPP, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Thông tư đã bổ sung nhiều quy định mới góp phần quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn hình thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, với quy định có phần cứng nhắc của Thông tư 55 về vấn đề lãi suất thì khó có nhà đầu tư nào có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng bởi nguồn vốn này luôn biến động theo thị trường, trong khi đó nếu lãi suất vượt quá mức khống chế của Thông tư 55 lại không được tính vào chi phí hợp lý của dự án.

Việc Nhà nước phải quản lý, giám sát chặt các dự án PPP là rất cần thiết, vừa nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch vừa tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đang cực kỳ khó khăn thì việc khai thông thể chế, trong đó có chính sách tín dụng là cực kỳ quan trọng. Nên việc quản chặt các hình thức đầu tư này cần đảm bảo sự hợp lý và hài hòa quyền lợi của Nhà nước - nhà đầu tư - người dân nếu không việc thực hiện các mục tiêu về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới khó có thể đạt được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.