Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 28/5, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người một bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu bé mặc cho bé khóc thét.
Một lúc sau, người này nằm xuống đất rồi dùng chân đạp vào người nạn nhân. Cùng đó, một người đàn ông được cho là cha của bé trai ngồi bên cạnh nhưng không can ngăn.
Vụ việc xảy ra trên địa bàn xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Tối 29/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cần khởi tố vụ án vụ mẹ kế nghi tâm thần, bóp cổ, bạo hành bé trai gây xôn xao.
Luật sư Tuấn phân tích, việc đánh bé trai của người phụ nữ thể hiện rõ hành vi phạm tội. Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra phải khởi tố vụ án theo qui định của pháp luật.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé. Sau đó, cần xem xét về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người phụ nữ này thông qua việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người này tại cơ sở y tế có thẩm quyền.
Trường hợp, kết luận giám định pháp y tâm thần thể hiện người phụ nữ này đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tôi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật. Đối với trường hợp này thì cơ quan điều tra phải đình chỉ vụ án và buộc áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với người phụ nữ này.
Ngược lại, đối với trường hợp kết luận giám định pháp y tâm thần không thể hiện người phụ nữ này đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, tức người này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác qui định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối với hành vi của người quay clip, luật sư Tuấn cho rằng hiện nay pháp luật không quy định chế tài để xử lí. Pháp luật quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" quy định tại Điều 132 của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, "người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm". Như vậy, pháp luật quy định chỉ trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng và phải có đủ 2 yếu tố là "tuy có điều kiện mà không giúp" và "dẫn đến người đó chết" thì mới xử lí hình sự".
Theo quan điểm của luật sư Tuấn, hành vi quay clip phần nào đó là giúp ích cho cơ quan điều tra thu thập được nguồn chứng cứ, phục vụ cho việc điều tra hành vi phạm tội theo qui định.
Liên quan đến vụ việc nói trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết đã giao Công an xã xác minh và mời người phụ nữ lên làm việc. Người phụ nữ là mẹ kế của bé trai trên và có biểu hiện tâm thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận