Đời sống

Cần lưu ý gì khi đi tảo mộ ngày Tết?

29/01/2022, 20:18

Tảo mộ mỗi dịp Tết đến, xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, thể hiện đạo hiếu "uống nước nhớ nguồn".

Tảo mộ: Đạo hiếu tốt đẹp của người Việt

Thăm viếng phần mộ tổ tiên (tảo mộ) thường được tổ chức vào những ngày cuối tháng Chạp hằng năm để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với người đã khuất.

img

Tảo mộ ngày Tết là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ảnh minh hoạ

Theo truyền thống, lễ tảo mộ thường được các gia đình tổ chức vào những ngày cuối cùng của tháng Chạp hằng năm, trước khi làm cơm cúng Tất niên.

Các gia đình thực hiện nghi thức tảo mộ từ sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo đến chiều 30 Tết hoặc 29 Tết (với tháng thiếu như năm nay).

Những gia đình đi xa thường tảo mộ sớm. Với những gia đình tại các vùng quê, ở gần phần mộ tổ tiên thì thực hiện truyền thống này phổ biết nhất là vào ngày cuối cùng trong năm, trước bữa cơm tất niên.

Tại những dòng tộc lớn còn có quy định cụ thể về ngày tảo mộ. Ngày này còn được ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng họ để con cháu ở các thế hệ nối tiếp thực hiện.

Đây cũng được coi là một hình thức gắn kết các thành viên, gia đình trong dòng tộc lại với nhau và để người đi xa hướng về quên quán, cội nguồn.

Trẻ em cũng được theo cha mẹ, ông bà đi tảo mộ để biết phần mộ gia tiên và biết nét truyền thống tốt đẹp này và nhằm tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp này.

Mỗi ngôi mộ được sửa sang xong lại được đắp thêm đất cho vuông vắn, đầy đặn trước khi thắp hương. Người Việt Nam quan niệm “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất.

Khi tảo mộ, những ngôi mộ không được trông nom, săn sóc cũng nhân tiện được người đi tảo mộ thắp một nén hương thể hiện sự thương cảm.

Theo phong tục của người Việt, khi tảo mộ các gia đình cũng cúng khấn mời ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất về cùng đón Tết với con cháu. Sau đó, vào các ngày thường vào mùng 3 đến mùng 5 Tết, các gia đình lại làm mâm cơm cúng gia tiên, tiễn đưa ông bà, tổ tiên.

Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ

Nên đi tảo mộ khi trời còn sáng: Thời gian tốt nhất khi đi tảo mộ là những ngày ấm áp, tạnh ráo. Không nên đi quá sớm khi sương chưa tan hay quá muộn khi trời đã tối bởi khi này không khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ.

Khi tảo mộ phải có thái độ thành khẩn, cung kính. Nếu gặp các ngôi mộ trên đường đi cũng nên có thái độ cung kính, tránh dẫm đạp lên các ngôi mộ khác hay va chạm vào đồ cúng trên mộ của người khác.

Đi tảo mộ đông người: Tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể đi tảo mộ bởi đây được coi là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người ốm yếu và người mang bầu nên hạn chế do nghĩa trang là nơi có âm khí nặng, nhiều loại vi khuẩn sinh sôi.

Hoa trong lễ nên mang hoa cúc, hoa lay ơn: Bó hoa cúc/hoa lay ơn hoặc cây hoa cúc để cắm hoặc trồng làm cảnh tại phần mộ. Một số nơi trồng cây xương rồng, đinh lăng, cau… để bảo vệ mộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.