Câu hỏi đầu tiên, có lẽ chưa một nhà chuyên môn hoặc chuyên gia dự đoán xu hướng nào có thể trả lời một cách chắc chắn. Bởi cho đến nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra vẫn diễn biến phức tạp và rất khó lường.
Số người nhiễm virus tại các nước vẫn tiếp tục tăng lên, con đường lây nhiễm và ủ bệnh ngày càng “tinh vi”. Các quốc gia tập trung mọi nguồn lực trong ngành y và các tỷ phú thế giới như Bill Gates hỗ trợ hết mực nhưng vaccine ngừa virus Corona chưa thể chính thức ra đời, cũng chưa có thuốc đặc trị, thậm chí cách chữa cũng chưa hoàn toàn thống nhất.
Đến thời điểm này, không phải chúng ta mà thế giới cũng công nhận nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Có thể nói không ngoa, với 0 người chết, Việt Nam đang là hình mẫu được truyền thông nhiều nước nhắc tới.
Chính phủ đã có chỉ thị cách ly xã hội 15 ngày và nay tiếp tục 7 ngày cho các tỉnh, thành thuộc nhóm “nguy cơ cao”.
Hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành khá tốt. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý cố gắng cho qua đợt này, hết thời gian cách ly là ổn. Điều đó hoàn toàn không đúng và nghĩ thế sẽ sinh ra chủ quan, nguy hiểm vô cùng.
Vấn đề quan trọng bây giờ là xác định một tâm thế mới, để có thể đi đường dài hơn.
Chúng ta không thể kỳ vọng nửa tháng, 1 hay thậm chí 2 tháng nữa hết dịch, mọi thứ sẽ trở lại bình thường mà phải xác định sống chung với nó cho đến khi có thuốc chữa, có vaccine tiêm phòng.
Đó không phải là suy nghĩ thiếu lạc quan mà suy nghĩ như thế mới có thể có sự lạc quan.
Nhiều doanh nghiệp, nhiều gia đình có thể trụ được trong vài tháng cách ly xã hội chứ tính đến nửa năm thì thật sự khó khăn.
Vì thế, phải xác định kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để không đổ vỡ, tuyệt vọng khi đối mặt thực tế không như mong muốn.
Muốn thế thì Chính phủ phải có kịch bản tổng thể. Từ đó, các địa phương, các doanh nghiệp, các gia đình cũng có kịch bản cho chính mình.
Bước hai của cách ly xã hội đã phân chia nhóm nguy cơ, giao cho các địa phương căn cứ tình hình đưa ra những quy định cụ thể, có nới lỏng ở những tỉnh “nguy cơ thấp”.
Tuy nhiên, hầu hết vẫn lấy sự an toàn làm trọng, ưu tiên giải quyết tình thế, chưa tính được đường dài.
Bước ba, theo thiển ý của người viết bài này, từ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương nên cụ thể hóa các nhóm ngành nghề có thể kiểm soát được để tái khởi động sản xuất, buôn bán kinh doanh.
Cần ưu tiên xét nghiệm cho nhóm người lao động trong các nhóm này để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, tiếp đó có sự kiểm tra thường xuyên, khắt khe và duy trì sản xuất.
Trong cộng đồng cũng nên khu biệt, không nên đánh đồng nguy cơ. Phong tỏa thì quyết liệt nhưng đủ điều kiện thì nới mở.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì nước ta.
Tuy nhiên chúng ta cũng không thể so sánh với các nước có tiềm lực mạnh. Chúng ta không bi quan nhưng cũng đừng quá lạc quan, phải nhìn vào thực tế.
Công nhân một công ty bị đình trệ sản xuất không thể đòi hỏi duy trì công ăn việc làm và lương thưởng như bình thường, đất nước cũng không thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế như bình thường, vì đó là điều không tưởng.
Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì sao, kéo dài hơn thì sao, một năm thì sao, ảnh hưởng kinh tế hai, ba năm thì thế nào… phải đối diện, tính hết các kịch bản để cùng nhau thấu cảm và chia sẻ, cùng nhau chung lưng đấu cật để vượt qua. Lịch sử loài người chưa từng bó tay trước mọi thảm họa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận