Chính trị

Cần ngăn việc một người đi bỏ phiếu bầu cử hộ cả nhà

21/05/2021, 09:42

Thực tế các kỳ bầu cử vừa qua vẫn ghi nhận cá biệt việc bầu hộ, bầu thay. Đây là việc làm không đúng quy định pháp luật, cần phải ngăn chặn.

img

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, thực tế các kỳ bầu cử vừa qua vẫn ghi nhận cá biệt việc bầu hộ, bầu thay.

"Có hiện tượng một người đem phiếu của cả gia đình đi bầu. Lý do thì có nhiều, nhưng lý do chủ yếu vẫn là do ý thức trách nhiệm của người dân với lá phiếu của mình", ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, hệ thống chính trị ở những nơi để xảy ra hiện tượng như vậy đã làm không đến nơi đến chốn, để người dân coi việc đi bầu cử là bình thường, không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng lá phiếu của mình với vận mệnh của đất nước và trách nhiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

"Về nguyên tắc, việc bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà là không được phép, không đúng quy định của pháp luật", ông Nhưỡng khẳng định.

Cũng theo ông Nhưỡng, ngoài việc mỗi cử tri chưa ý thức được hết quyền và nghĩa vụ của mình thì ở các tổ bầu cử vẫn còn câu chuyện nể nang.

Vì vậy, cần yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai công tác bầu cử phải quán triệt và đề nghị đối với các khu dân cư có trao đổi để mỗi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các tổ chức, cơ quan đơn vị tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ, trên cơ sở đó thực hiện quyền đi bầu để Ngày bầu cử 23/5 tới sẽ đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho ngày toàn dân đi bầu cử, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa có thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra ngày 18/5.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cho đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, bùng phát ở một số địa phương, lan rộng nhiều tỉnh, thành; tình hình thiên tai, mưa, bão lụt, an ninh trật tự có thể diễn biến bất thường, vì vậy tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan, các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương địa bàn.

Cần dự phòng nguồn nhân lực kịp thời bổ sung cho các tổ bầu cử khi phải thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu tại cơ sở cách ly tập trung và kịp thời thay thế cho các nhân sự làm công tác bầu cử trong trường hợp là F0 hoặc phải cách ly theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Tổ chức xét nghiệm cho tất cả các nhân sự tham gia công tác bầu cử, nhất là tại các tổ bầu cử và địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh.

Tùy tình hình dịch bệnh, cần linh hoạt trong việc tổ chức khai mạc bầu cử, bảo đảm trọng thị, nghiêm trang nhưng gọn nhẹ. Bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và cử tri. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, về các biện pháp phòng, chống dịch.

Vào ngày 23/5/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ bố trí bộ phận thường trực tại tòa nhà Quốc hội để theo dõi cuộc bầu cử, đồng thời thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận báo cáo, phản ánh từ các địa phương.

Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử theo đúng thời hạn quy định.

Kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử, chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

9 người tự ứng cử

Trong tổng số danh sách chính thức 866 người ứng cử ĐBQH khóa XV, có 9 người tự ứng cử.

Trong tổng số 9 người tự ứng cử, Hà Nội có số lượng lớn nhất với 3 đại biểu. Cụ thể: Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Cường hiện là ĐBQH khoá XIV; ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường; ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam. Ông Trí đang là ĐBQH khóa XIV. Đây cũng là lần thứ 2 ông Nguyễn Anh Trí tự ứng cử tại Hà Nội.

TP HCM có 2 người gồm: Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Ban Nghiên cứu và Đào tạo, Hội Luật gia Việt Nam; ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM. Ông Nghĩa cũng đang là ĐBQH khóa XIV.

TP Cần Thơ có 1 người là ông Nguyễn Thiện Thức, Giám đốc điều hành Trung tâm Dạy nghề Thành Phúc.

Tỉnh Bắc Kạn có 1 người là ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam.

Tỉnh Nam Định có 1 người là bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Namsung Việt Nam.

Tỉnh Sóc Trăng có 1 người là ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Ông Tâm cũng từng là ĐBQH khóa XIII.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.