Quản lý

Cân nhắc đầu tư dự án BOT QL62 và ĐT830

24/03/2017, 20:10

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Long An.

IMG_5827

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Long An. Ảnh: Hải Đường 

Sáng 24/3, sau khi đi thực địa Dự án BOT cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Long An.

Tại buổi làm việc, ông Kiên yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh nêu cụ thể các dự án BOT trên địa bàn tỉnh, trong đó cầu Mỹ Lợi, QL62 và ĐT830.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn: Cầu Mỹ Lợi được thực hiện theo hình thức BOT, cầu đưa vào sử dụng tháng 5/2016, tạo thông thoáng trên toàn tuyến, vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa 2 vùng Long An và Tiền Giang trở nên dễ dàng, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại. Đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trong vùng và địa phương lân cận. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên sau khi cầu đưa vào khai thác thì lưu lượng xe hạn chế đều này ảnh hưởng đến việc thu phí của nhà đầu tư.

IMG_5832

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tham gia với đoàn giám sát của Quốc hội. Ảnh Hải Đường 

Dự án ĐT830 và 824 là dự án BOT đầu tiền của tỉnh Long An. Đây là dự án được khởi công tháng 11/2016. Dự án có chiều dài khoảng 55km, tổng mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng và được chia làm 3 đoạn. Đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến cầu An Thạnh-Bến Lức và 1 đoạn ĐT824, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, có chiều dài 23 km. Nhà đầu tư huy động 100% vốn để thực hiện dự án, trong đó, vốn chủ sở hữu 15% và vốn vay thương mại 85%. Ngoài ra, Long An đã kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp mở rộng QL62, đoạn từ Km 7+00 - Km 76+00 (cửa khẩu Bình Hiệp) theo hình thức BOT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị Long An nên quan tâm để khai thác hiệu quả tuyến đường thủy nội địa kênh Chợ Gạo và tàu Rạch Chanh đã được đầu tư đưa vào khai thác.

IMG_5823

Lưu lượng phương tiện hiện nay qua trạm thu phí cầu Mỹ Lợi rất thấp so với dự đoán. Ảnh: hải Đường 

“Việc đầu tư các dự án theo hình thức BOT hiện nay rất khó khăn, Bộ GTVT cũng chỉ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Về QL62 rất khó khả thi bởi đây là tuyến đường độc đạo, người dân không có lựa chọn thứ hai, việc vay vốn ngân hàng trung hạn cũng rất eo hẹp. Hiện nay, Bộ chỉ đang tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Kiên cho rằng, việc triển khai các dự án BOT tại Long An phải hết sức cân nhắc, đặc biệt QL62 và ĐT830. Nếu kết hợp cả vận tải đường thủy nội địa kênh Chợ Gạo và âu tàu Rạch Chanh đã đầu tư vào thì thị phần vận tải đường bộ ở Long An sẽ giảm so với dự toán như vậy sẽ đẩy các nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí. ĐT830 có khả năng thu hút các nhà đầu tư, do có tiềm năng về vận tải hàng hóa ở các khu công nghiệp.

20170324_094425

Tổng thể dự án cầu Mỹ Lợi và QL50. Ảnh: Hải Đường 

Tuyến QL62 lại chỉ mang ý nghĩa chính trị vì kéo dài đến cửa khẩu quốc tế và hỗ trợ 2 khu công nghiệp ở cửa khẩu đang làm. Nhưng trách nhiệm đặt lên vai Long An rất nặng bởi vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như khu công nghiệp Gò Công Đông Tiền Giang như đã dự toán trước đây không thực hiện được. 

Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp không đảm bảo phát triển đúng tiến độ thì sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu phí. Ông Kiên cũng ghi nhận các kiến nghị của Long An về việc chia rủi ro, trách nhiệm các bên liên quan trong hợp đồng; cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.