Chính quyền cảng tại Lạch Huyện sẽ giúp cảng biển quan trọng này tránh được những bất cập đang xảy ra với các khu cảng hiện có trên cả nước |
Quy hoạch bị xé nhỏ vì thiếu thống nhất quản lý
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 55 cảng biển với 219 bến cảng. Theo Cục Hàng hải VN, các cơ quan tham gia thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cảng biển hiện do Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN, các cảng vụ Hàng hải, Hải quan, Biên phòng, kiểm dịch…
Khẳng định hoạt động quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, hiện tại do đang thực hiện phương thức giao vùng đất vùng nước và cho các tổ chức đầu tư xây dựng riêng lẻ cầu bến cảng trong khu vực cảng biển. Điều này đã làm xé nhỏ quy hoạch cảng, tạo ra sự manh mún, thiếu thống nhất, đồng bộ trong phát triển cảng, từ đó mất cơ hội mở rộng, đón tàu cỡ lớn vào cảng. Cùng đó, việc Nhà nước đầu tư cả kho bãi, nhà xưởng, cần cẩu, phương tiện… làm phân tán nguồn lực Nhà nước không cần thiết và không tận dụng, thu hút được nguồn vốn tư nhân tham gia cảng biển.
Theo Cục Hàng hải VN, chính quyền cảng sẽ thống nhất quản lý các cảng trong khu vực, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, không đồng bộ. Chính quyền cảng chịu trách nhiệm toàn bộ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong vùng cảng (trên bờ và dưới nước) bảo đảm cho hoạt động tiếp nhận tàu và vận chuyển hàng hóa, kết nối với mạng giao thông quốc gia và mạng hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm mọi vấn đề liên quan đến môi trường. |
Ngoài ra, việc giao cơ sở hạ tầng cảng biển được xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước cho doanh nghiệp quản lý khai thác không qua đấu thầu công khai đã làm giảm hiệu quả khai thác cảng, không lựa chọn được nhà đầu tư khai thác thực sự có năng lực…
Đồng quan điểm, ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN (VPA) cho biết, điểm yếu của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay là quy hoạch không đồng bộ, manh mún. Đặc biệt từ trước đến nay, việc quản lý cảng biển của Việt Nam khá khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đến hệ quả đầu tư, khai thác manh mún, vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí nhiều mặt.
Để xóa bỏ thực trạng này, ông Lân nhấn mạnh chỉ có mô hình Chính quyền cảng đang áp dụng tại hầu khắp các cảng biển trên thế giới mới có đủ tư cách và thẩm quyền giải quyết rốt ráo những bất cập trong phát triển cảng biển hiện nay. “Cần lộ trình cải tiến sang cơ chế Chính quyền cảng như thông lệ quốc tế, trong đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương và khối các doanh nghiệp cảng” - ông Lân nói.
Trung ương phải nắm quyền chi phối
Về mô hình của Chính quyền cảng tại Lạch Huyện, Cục Hàng hải VN đề xuất 2 phương án. Phương án 1, chính quyền cảng hoạt động theo hình thức doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT. Phương án 2, trong chính quyền cảng sẽ có sự tham gia thêm của chính quyền địa phương, tuy nhiên, chính quyền T.Ư vẫn nắm chi phối.
Liên quan đến mô hình quản lý cảng, ông Jan Blomme - Giám đốc Quản lý cảng quốc tế Antwerp (Vương quốc Bỉ) nhấn mạnh: Không có một mô hình tổ chức cảng nào được coi là hoàn thiện, tốt nhất cho tất cả các cảng. Không một cảng nào lại giống hệt cảng khác, do đó cần phân tích đâu là điểm mạnh, điểm yếu của cảng mình để đưa ra mô hình quản lý phù hợp.
Ông Trần Doãn Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nghiêng về phương án 2, tức là phải kết hợp giữa quản lý tập trung của T.Ư với quản lý của địa phương.
Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng thống nhất với phương án có sự tham gia của chính quyền địa phương tuy nhiên, trung ương phải nắm chi phối.
Trả lời câu hỏi tại sao không giao hẳn cho địa phương, ông Công nhấn mạnh: Tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, chúng ta đã xây dựng rất nhiều cảng biển. Nếu giao địa phương, trong trường hợp xây cảng Lạch Huyện, tàu không vào, địa phương chắc chắn sẽ dùng mọi biện pháp can thiệp để tàu không được vào các cảng khác tại Hải Phòng chính quyền cảng không quản lý mà buộc phải vào Lạch Huyện.
Kịch bản thứ hai, thực tế hơn, Lạch Huyện có ưu thế, lại có được mọi cơ chế chính sách tốt nhất để hút tàu vào và tàu sẽ chỉ tập trung vào Lạch Huyện. Các cảng phía trong tại Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ “chết”. Các cảng này, dù cảng tư nhân hay Nhà nước cũng là tài sản của đất nước.
“Chính quyền cảng do T.Ư nắm đa số sẽ có cái nhìn tổng thể hơn, giải quyết được cơ bản bất cập này” - Thứ trưởng Công nhấn mạnh.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận