Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Chiều 20/9, Uỷ ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh PCTN sang cả khu vực ngoài Nhà nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp tán thành, vì cho rằng, thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước” đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công. Đồng tình với việc mở rộng phạm vi, song nhiều ý kiến trong Uỷ ban TVQH đề nghị quy định làm sao cho đảm bảo tính khả thi, vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, nhưng không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc mở rộng phạm vi theo hướng áp dụng với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, áp dụng bắt buộc một số chế định với một số tổ chức ngoài Nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu mở rộng thì cần tiếp tục nghiên cứu rất kỹ và đánh giá tác động về tính hiệu quả, khả thi để vừa bảo đảm thực hiện PCTN trong khu vực này, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng, các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước đã được Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đây vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước. Do chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước, nên một số ý kiến đề nghị, trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận