Đăng kiểm

Cân nhắc tính chu kỳ kiểm định theo số km xe chạy

10/05/2023, 18:01

Việc tính chu kỳ kiểm định theo số km xe chạy đã và đang được Cục Đăng kiểm VN cẩn trọng nghiên cứu.

Tiềm ẩn gian lận đăng kiểm nếu tính theo số km xe chạy

Liên quan đến đề xuất tính chu kỳ kiểm định ô tô theo số km xe chạy, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc tính sự hao mòn phương tiện theo số km có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian thực tuy nhiên áp dụng để xác định chu kỳ kiểm định ô tô không khả thi, không thực tiễn.

img

Theo các chuyên gia, việc tính chu kỳ kiểm định theo số km xe chạy không khả thi và tiềm ẩn gian lận đăng kiểm

Ông Tạo phân tích, sự hao mòn, hư hỏng của một chiếc ô tô được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở 1 số chi tiết như dầu nhớt, lốp).

Do đó, khi xác định quá trình hao mòn của xe, mọi người thường quan niệm những xe chạy nhiều sẽ chóng hỏng hơn xe chạy ít do xe ít đi, hao mòn ít hơn sẽ giúp ô tô duy trì trạng thái hoạt động tốt hơn.

Nếu tính được số km xe chạy một cách chuẩn xác để làm cơ sở xác định thời hạn cần thiết đánh giá lại trạng thái kỹ thuật của xe, về mặt chuyên môn sẽ chính xác hơn.

Tuy nhiên, thực tiễn, trên thế giới, ngay cả các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ cũng tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian giống Việt Nam mà không áp dụng cách tính số km xe chạy dù những nước này là bậc thầy về trình độ kỹ thuật phương tiện.

Không phải vì họ chưa nghĩ đến mà bởi việc áp dụng trong thực tiễn không khả thi. Theo ông Tạo, hiện nay chưa có cách nào xác định chính xác số km xe chạy, đối với đồng hồ km gắn trên xe không đủ tính trung thực bởi thiết bị dễ dàng bị can thiệp như tháo đồng hồ cũ ra lắp mới, hư hỏng ngưng trệ, hay thậm chí còn có tình trạng “tua” số km.

Nếu lắp một đồng hồ đo khác để tính số km sẽ gây tốn kém chi phí và phiền toái khi phải xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật của loại thiết bị này, quy trình kiểm định riêng và phải có cơ chế giám sát để “khoá” tình trạng gian lận số km.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi vì hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là đúng và chính xác. Điều này còn có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.

“Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm”, ông Phúc nói.

Ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2908D cũng cho rằng, đề xuất trên không phù hợp bởi thực tiễn việc mua bán ô tô cũ đã cho thấy, chỉ cần 200 - 300 nghìn đồng, chủ xe dễ dàng tua được số km trên đồng hồ công tơ mét của xe hoặc chỉ cần rút cảm biến công tơ mét lập tức đồng hồ đo sẽ dừng lại.

“Khi đồng hồ công tơ mét không chạy nữa, dựa vào ý thức của người dân hiện nay liệu bao lâu sẽ chủ động đưa xe đi đăng kiểm hay sẽ không bao giờ. Cơ quan nào sẽ kiểm soát số km của xe và bằng cách nào. Hiện nay, không có bên nào làm được điều này”, ông Sinh nhìn nhận.

img

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết đơn vị này đã và đang nghiên cứu cách tính chu kỳ kiểm định theo số km xe chạy nhưng không hợp lý để áp dụng trong thời điểm hiện tại

Xe chạy ít không có nghĩa đảm bảo an toàn kỹ thuật

Cũng theo ông Sinh, về mặt kỹ thuật, xe càng ít đi càng nhanh hỏng, ô tô cũng như xe máy và tất cả các thiết bị điện tử, cơ khí khác, nếu vận hành thường xuyên sẽ hoạt động trơn tru hơn còn nếu “đắp chiếu” thời gian dài có thể khiến nhiều thiết bị lão hóa nhanh hơn.

Đơn cử như gây ra tình trạng khó đề, lốp bị lão hóa dễ dàng nứt, hỏng, xuống hơi, dầu nhớt bị cô đọng gây tình trạng bó cứng phanh, nhiều vị trí bị hoen gỉ, hư hỏng… “Do đó, không phải xe ít đi sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật hơn”, ông Sinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc cho biết, hầu hết các nhà sản xuất ô tô hiện nay đều tính thời hạn phương tiện cần bảo hành, bảo dưỡng dựa trên 2 tiêu chí: Số km xe chạy hoặc thời gian sử dụng, tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ô tô đi bảo hành thời điểm đó.

“Chất lượng kỹ thuật phương tiện sẽ suy giảm theo cả 2 yếu tố: Số km vận hành và thời gian bảo quản. Do đó, không phải cứ ít đi, xe sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật”, ông Phúc nói và nhìn nhận: Việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian như hiện nay là phù hợp cả về mặt quản lý và về mặt kỹ thuật.

Ông Tạo phân tích thêm: Trong cách tính chu kỳ kiểm định ô tô theo thời gian tại Việt Nam cũng đã lưu ý đến vấn đề số km xe chạy thông qua việc phân loại phương tiện không kinh doanh vận tải và xe kinh doanh vận tải. Theo đó, xe kinh doanh vận tải sẽ có chu kỳ kiểm định dày hơn so với xe cá nhân.

Bên cạnh việc được vận hành cường độ ít hơn so với xe vận tải, xe cá nhân còn được chủ xe chăm sóc, bảo dưỡng cẩn thận hơn nên chất lượng kỹ thuật phương tiện đảm bảo hơn.

“Xác định chu kỳ kiểm định ô tô theo thời gian như hiện tại là phù hợp, có thước đo rõ ràng hơn để giám sát thời điểm phương tiện cần kiểm tra kỹ thuật xe”, ông Tạo nhìn nhận và cho rằng, kiểm định ô tô cũng như khám sức khoẻ định kỳ của con người. Giữa các kỳ kiểm tra, mỗi chủ xe cần phải có trách nhiệm theo dõi trạng thái xe để kịp thời phát hiện những triệu chứng hư hỏng, hao mòn để đưa xe đi sửa chữa.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết, đơn vị đã và đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định.

Tại một số nước ở châu Âu, Mỹ, hành vi “tua” công tơ mét còn được coi là vi phạm pháp luật đưa vào Luật hình sự và có chế tài phạt tù.

Để áp dụng ở Việt Nam cũng phải đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính thông qua Nghị định 100 thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.

“Cục Đăng kiểm VN vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.