Y tế

Cần phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện tai nạn giao thông ra sao?

31/10/2022, 11:21

Theo các chuyên gia y tế, cấp cứu ngoại viện vô cùng quan trọng, đặc biệt với TNGT. Cấp cứu ngoại viện tốt nạn nhân sẽ được cứu sống nhiều hơn.

Phát triển mạng lưới cấp cứu từ huyện

Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hệ thống y tế Hùng Vương, Phú Thọ cho biết: "Hiện nay mạng lưới cấp cứu ban đầu ở nước ta còn rất mỏng. Các bệnh viện đều ngại tổ chức các đội cấp cứu ngoại viện nên khi có TNGT, cháy nổ xảy ra nhiều nạn nhân khó tiếp cận được sơ cứu ban đầu nhất là các tỉnh lẻ".

img

Cần huy động các cơ sở y tế tư nhân vào hoạt động cấp cứu ngoại viện

Nhiều ý kiến cho rằng khi mạng lưới đường cao tốc dày lên, phương tiện giao thông gia tăng thì việc xây dựng các trạm cấp cứu trên đường cao tốc là cần thiết. Nhưng ở góc độ khác, ông Học lại cho rằng thay vì xây trạm cấp cứu tốt nhất các huyện, bệnh viện tư ở tỉnh hay thành phố đều thành lập tổ cấp cứu di động. Các tổ cấp cứu này sẽ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, hỗ trợ nạn nhân.

"Nếu thành lập các trạm cấp cứu lại cần tính toán lưu lượng xe, các tỉnh thành đường cao tốc đi qua. Với trung bình khoảng 60 – 100 km mới đặt trạm cấp cứu thì khi nhân viên cứu hộ tới điểm tai nạn đã mất thời gian vàng cấp cứu cho nạn nhân", ông Học cho biết thêm.

Hiện nay, rất ít cơ sở y tế phát triển tổ cấp cứu ngoại viện, do vậy, theo ông Học các cấp chính quyền cần đưa ngay yêu cầu phải có tổ cấp cứu ngoại viện cho các cơ sở y tế cấp huyện, bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn. Khi đó, tổ cấp cứu này không chỉ có chức năng sơ cứu cho nạn nhân TNGT mà bất cứ tai nạn cháy nổ, tai nạn lao động, sinh hoạt đều hỗ trợ được.

Luật hoá cấp cứu ngoại viện

Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam cấp cứu ngoại viện đã được nước ngoài phát triển từ 50 trước.

Trong xã hội hiện đại con người ta di chuyển nhiều hơn thì tai nạn xảy ra nhiều hơn, hậu quả sẽ thảm khốc hơn. Ví dụ như các trường hợp tai nạn chảy máu, gãy xương thì người bên cạnh là người giúp đỡ cho nạn nhân nhanh nhất. Cấp cứu ngoại viện không cần coi là kỹ năng của nhân viên y tế mà là kỹ năng cho toàn xã hội.

img

Cấp cứu ngoại viện cho nạn nhân TNGT tốt, kịp thời sẽ giúp giảm nhẹ chấn thương

Tại Việt Nam trước đây có mô hình cấp cứu 115, hiện các trạm này vẫn duy trì nhưng cơ chế để các trạm này hoạt động vẫn chưa hoàn chỉnh cả về cơ chế hoạt động, tài chính nên nó chỉ đáp ứng được 90%.

"Những người bị TNGT trên đường đều được người có lòng tốt đưa vào bệnh viện. Nếu người cấp cứu ban đầu người có kỹ năng cấp cứu thì rất tốt còn không có kỹ năng đôi khi lòng tốt lại hại nạn nhân", ông Bình nhấn mạnh.

Với nạn nhân TNGT, quan trọng nhất là thời gian nếu không cấp cứu kịp thời mà chờ xe 115 tới có thể nạn nhân đã tử vong. Với Luật khám chữa bệnh mới sửa đổi cho phép phát triển cấp cứu ngoại viện, người cấp cứu chỉ cần là người có kỹ năng cấp cứu từ nhân viên y tế, cứu hộ, lái xe tới các tình nguyện viên, hội viên chữ thập đỏ sẽ cứu được nhiều người.

GS. Bình lấy ví dụ, khi TNGT nếu nạn nhân bị chảy máu bạn chỉ cần garo lại ngăn máu chảy. Khi họ gãy xương sẽ nẹp lại để xương không di chuyển, gãy xương đốt sống cổ chỉ cần nẹp cột sống cổ. Tuy nhiên, nếu không biết nẹp thì sẽ nguy hiểm. Ví như nạn nhân gãy đốt sống cổ, nẹp cổ không đúng mà vận chuyển nạn nhân đi thì xương gãy cắt đứt tuỷ có thể gây tử vong hoặc liệt toàn thân cho nạn nhân. Vì vậy, chúng ta cần có kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện.

Hiện trên thế giới, hệ thống cấp cứu do nhà nước chủ đạo, người ta điều phối, tiếp nhận, cứu chữa nạn nhân đó rất rõ. Hệ thống y tế tư nhân, chữ thập đỏ, các y tế cơ quan xí nghiệp cũng tham gia nhưng vẫn cần có sự điều phối của nhà nước.

GS. Bình cho rằng Việt Nam nên mở rộng thêm mạng lưới sơ cấp cứu ngoại viện đặc biệt là đưa kỹ năng sơ cứu vào đào tạo ngay tại trường học, và coi đây là kỹ năng xã hội cần có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.