Chuyện dọc đường

Cần quản lý minh bạch

09/01/2018, 06:15

Dù phải trả phí gửi xe rất cao nhưng đều phải để xe dưới lòng đường, vỉa hè rất chật chội

2

Bãi gửi xe trái phép ở khu vực hồ Quỳnh, trong ngõ 88 đường Võ Thị Sáu

Những ngày gần đây, người dân, nhất là những người có ô tô trên địa bàn Hà Nội đặc biệt quan tâm đến câu chuyện giá trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến. Ở khu vực trung tâm, gửi xe 8 tiếng lên đến 300 nghìn đồng, gửi cả tháng gần chục triệu. 

Điều khiến nhiều người bức xúc hơn là dù phải trả phí gửi xe rất cao nhưng đều phải để xe dưới lòng đường, vỉa hè rất chật chội. Nhiều lần gửi xe bị trầy xước, nhưng chẳng biết kêu ai. Đa phần các điểm trông giữ xe đều thủ công, nhiều khi nhân viên không chịu đưa vé, “chặt chém” với giá cao hơn nhiều so với quy định; có hỏi vé liền bị nhân viên tỏ thái độ cộc cằn. Lúc đó, quay đi cũng không được, mà để xe lại thì lo ngay ngáy, không biết xe mình có vấn đề gì không, nhỡ mất mát, va chạm xe khác thì sao...

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người, nhất là những người có xe ô tô trên địa bàn Hà Nội. Mua được chiếc xe đã khổ, tìm được chỗ gửi và đậu xe lại là câu chuyện nan giải hơn. Lâu nay, việc kinh doanh trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội vốn rất lộn xộn và được coi là một “mỏ vàng” mà doanh nghiệp nào cũng muốn “đào”. Chỉ cần xin được giấy phép trông giữ xe, kẻ vạch sơn, căng dây và thu lời. Chính vì vậy, ngoài số ít các điểm được cấp phép, các bãi tự phát, không phép bủa vây khắp nơi, khiến người gửi xe không biết đâu mà lần.

Đáng ngại hơn là việc nhập nhèm trong thu giá. Tại không ít điểm trông giữ xe, dù có phép hay không phép đều phổ biến tình trạng nhân viên không đưa vé cho khách, không niêm yết giá. Kể cả thu phí bằng hình thức iParking - một hình thức được coi là hiện đại nhất hiện nay, nhưng nhân viên cũng không yêu cầu lái xe phải nhắn tin đến tổng đài. Thậm chí, nếu thỏa thuận với nhân viên, người gửi hoàn toàn có thể không cần nhắn tin, lấy vé để trả với giá thấp hơn.

Chính vì vậy, việc Hà Nội tăng giá trông giữ xe đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Lãnh đạo Hà Nội lý giải tăng giá nhằm hạn chế xe cá nhân và tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, khi vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu và còn nhập nhèm trong chuyện thu giá, việc tăng giá chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người, trong khi Nhà nước thu được không đáng kể. Thực tế, những năm qua, dù trên địa bàn Hà Nội có khoảng 180 điểm trông giữ xe được cấp phép nhưng số tiền nộp ngân sách của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chỉ khoảng 17-18 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé so với thực tế đang diễn ra. Nếu việc thu chi minh bạch không được cải thiện, dư luận càng có cơ sở đặt câu hỏi: Ai hưởng lợi từ việc tăng giá trông giữ xe lên quá cao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.