Đất nhà máy sau di dời "biến" thành chung cư
Nhà máy, xưởng sản xuất nằm trong nội đô được đánh giá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng sống của người dân thủ đô. Chính vì thế, hơn một thập kỷ nay, nhà nước có chủ trương di dời nhà máy ra các vùng ven, giảm thiểu ô nhiễm, tạo thêm không gian sống cho người dân đô thị.
Công ty thuốc lá Thăng Long thuộc danh sách dự kiến di dời đợt 1
Thế nhưng, xuyên suốt chục năm nay, nhà máy "dời" đi, nhà ở lại được "nhồi" vào khiến dân số tăng đáng kể. Những nền nhà máy "nhồi" cao ốc phải kể đến như: Dự án 90 Nguyễn Tuân do Công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà 7 làm chủ đầu tư. Từ nền đất xí nghiệp xe buýt, nó đã được "nhồi" vào 900 căn hộ và nhà liền kề.
Tương tự tại Dự án Thống Nhất Complex, 82 Nguyễn Tuân. Tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất, sau khi dời đi, 17.000m2 đất "vàng" đã mọc lên 2 toà nhà 25 tầng với khoảng 500 căn hộ (khoảng 1.300 cư dân).
Hay như Dự án Mipec Rubik 360, số 122 – 124 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Hai khối nhà 35 cao "chọc trời" được "mọc" lên từ Khu đất 39.662 m2, vốn là bãi đỗ xe buýt và trung tâm điều hành xe Tân Đạt. Dự án PCC1 Thanh Xuân "mọc" lên từ nền đất nhà máy của Công ty Cổ phần cơ khí ô tô Hoà Bình.
Và theo tờ trình về danh mục nhà, đất phải di dời (đợt 1) của TP Hà Nội mới đây, không ít cơ sở "đất vàng" là nền nhà máy đứng trước nguy cơ "nhồi" tiếp nhà ở. Cụ thể như: 52.230m2 đất nhà máy Bia Hà Nội, tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình. Hiện nay diện tích đất này đang hoạt động, sản xuất và trưng bày sản phẩm. Quy hoạch sau khi di dời sẽ là đất hỗn hợp, công cộng, trường học, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe.
Danh sách các cơ sở nhà đất di dời đợt 1 theo tờ trình gồm: Công ty In báo Nhân dân Hà Nội tại 15 Hàng Tre; Báo Lao Động, 51 Hàng Bồ; Công ty TNHH MTV in Báo Hà Nội mới, 35 Nhà Chung; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty CP Bia - Rượu - nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Công Ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam tại 70/342 Khương Đình; Nhà máy xe lửa Gia lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội tại 551 Nguyễn Văn Cừ, P Gia Thuỵ; Tổng kho xăng dầu Đức Giang tại 26 phố Đức Giang, P Đức Giang; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; 167/6 phố Phương Mai; Viện hoá học công nghiệp Việt Nam, P. Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm.
Tương tự, 64.226 m2 đất của Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi, P.Thượng Đình, Thanh Xuân quy hoạch là đất hỗn hợp (DVTM, ở) công cộng đơn vị ở, nhà trẻ, tiểu học, cây xanh.
Hay như 159.351m2 của Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Long Biên, quy hoạch đất sau khi di dời sẽ là hỗn hợp, nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, công cộng....
Người dân ngao ngán, kêu than
Chia sẻ khi biết thông tin này, chị Nguyễn Ngọc Hoa (Nguyễn Trãi, Hà Đông) tỏ ra không mấy hài lòng. Chị Hoa cho biết, mỗi ngày chị phải mất cả tiếng đồng hồ "tắm nắng" mới vượt được qua quãng đường khoảng 3km từ Nguyễn Trãi lên đến Xã Đàn, Đống Đa để làm việc.
Theo chị Hoa, gần đây, nhiều công trình giao thông được mở rộng, nâng cấp; thế nhưng chung cư mọc lên như nấm, kéo theo mật độ dân số và phương tiện giao thông gia tăng đáng kể khiến cho đường càng mở rộng thì càng thêm tắc.
"Tôi hy vọng khi di dời, chuyển các nhà máy ra khỏi trung tâm thủ đô sẽ giúp không gian đô thị rộng rãi hơn. Thủ đô sẽ có thêm không gian cây xanh, công viên và trường học. Nhưng nhồi thêm dân thì sẽ có nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường, áp lực thêm lên hạ tầng".
Cùng quan điểm, chị Kiều Nguyệt, Hà Đông cũng chia sẻ suy nghĩ, nhà máy ô nhiễm là đương nhiên, không cần bàn cãi. Nhưng ngược lại, công nhân nhà máy chỉ đến làm rồi về không lưu trú.
Nay di dời nhà máy thì thay vào đó có khả năng hàng nghìn hộ dân sẽ về lưu trú, kèm theo là hoạt động xả thải thì chưa chắc giảm được nhiều ô nhiễm, thậm chí còn kèm theo nhiều khói bụi, tắc đường. Như vậy, việc di dời này chưa thực sự vì mục đích triển "đô thị xanh".
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, giảng viên Trường Đại học GTVT, người có chuyên môn sâu về quy hoạch cũng tỏ ra ngao ngán với những lần điều chỉnh quy hoạch của TP trên trục đường.
“Nhà tôi hiện sinh sống trên trục đường Nguyễn Tuân, ngày qua ngày phải chịu cảnh ùn tắc mà không biết phải làm thế nào, cực kỳ mệt mỏi. Cần phải trả lại quy hoạch cho trục đường, thậm chí tháo dỡ công trình sai phạm. Nếu không thì các giải pháp như cấm xe máy, thu phí nội đô … cũng chỉ là những bài toán tình thế”, bà Thuỷ nói.
Cần quy định cụ thể việc sử dụng đất công nghiệp nội đô
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện quy hoạch thủ đô đang tồn tại nhiều vấn đề.
TS. KTS. Phạm Anh Tuấn, khoa Kiến trúc quy hoạch, Đại học Xây dựng cũng cho rằng, thực tế việc triển khai quy hoạch đó dường như lại đang có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu. Không gian xanh không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi.
Ở vị trí trung tâm, nhu cầu sử dụng không gian xanh lớn thì không còn quỹ đất, nói đúng hơn là quỹ đất hầu hết đã bị “thâu tóm”. Trong khi đó, nhiều công viên lớn lại quy hoạch ở vị trí xa trung tâm, hạn chế khả năng tiếp cận của người dân nội đô, gây ra sự lãng phí lớn.
KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Bên cạnh đó, cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố.
Ông Nghiêm cũng cho rằng, sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Quỹ đất sau khi di dời nhà máy phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng.
Công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận