Để tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do dịch Covid-19, đã có ý kiến đề xuất xây dựng quy trình vận tải hàng hóa chung áp dụng cho toàn quốc.
Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam xung quanh đề xuất này.
Ông Trần Đức Nghĩa
Hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại vô ích
Với phạm vi hoạt động trải dài trên cả nước, trong khi dịch Covid-19 đang căng thẳng tại nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp vận tải như của ông đang phải xoay xở ra sao?
Đến nay Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch bệnh Covid-19. Ở mỗi giai đoạn, thời điểm, lĩnh vực vận tải đều chịu những tác động không mong muốn, nhưng với đợt dịch này, những người làm vận tải đường bộ chúng tôi đang ở trong tình huống chưa có tiền lệ.
Trước hết, đó là nhiều khách hàng của chúng tôi ở Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua phải dừng hoạt động 2,5 tháng (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7) và đến nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sản xuất, kinh doanh nên đơn hàng giảm, dòng tiền cũng chậm lưu chuyển. Nay lại tới các khách hàng trong khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Nhưng áp lực lớn hơn mà chúng tôi đang phải gánh chịu đó là chi phí tăng vọt do các quy định chưa hợp lý trong phòng, chống dịch tại nhiều địa phương.
Đơn cử, chúng tôi đang vận hành gần 300 đầu xe (trong đó 150 xe của công ty và còn lại thuê ngoài), mỗi tháng đang phải tăng chi phí chỉ riêng cho việc xét nghiệm lái xe ít nhất 600 triệu đồng.
Cùng với đó là chi phí gián tiếp cực lớn, đó là “thời gian chết” do xe phải dừng để chờ tài xế xét nghiệm và chờ do tắc đường. Hiện một xe container đang phải gánh “chi phí cố định” 1 - 1,2 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, vừa qua có nhiều thời điểm, xe phải nằm phơi nắng nửa ngày, thậm chí có lúc cả ngày do tắc đường tại các chốt kiểm soát.
Ngoài ra, tại nhiều thời điểm, một số địa phương chặn luôn phương tiện qua địa bàn, tài xế phải đi vòng vèo làm tăng thời gian, tiền bạc, công sức lái xe...
Ông có thể chia sẻ bức tranh vận tải hàng hóa và hoạt động của các doanh nghiệp trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4?
Hiện cả nước có khoảng 1 triệu tài xế đang hoạt động. Với chi phí xét nghiệm hơn 200 nghìn đồng/lần với test nhanh và 700 - 800 nghìn đồng/lần test PCR, chỉ riêng tiền xét nghiệm cho số tài xế này đã tốn khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Còn “chẻ” theo doanh nghiệp, tùy vào quy mô, chi phí xét nghiệm có thể dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Chưa kể, còn rất nhiều chi phí gián tiếp như tôi đã chia sẻ ở trên.
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics, tại Hải Phòng, chỉ riêng trong 3 ngày 18, 19, 20/7, cửa ngõ ra, vào TP bị tắc, tổn thất cho các doanh nghiệp vận tải vận chuyển qua đây (khoảng 2.000 xe) xấp xỉ 90 tỷ đồng mỗi ngày.
Đó là chưa tính tổn thất tắc đường tại Pháp Vân - Cầu Giẽ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước.
Uớc tính của chúng tôi, lượng hàng hóa ở TP HCM và Hà Nội có thể giảm đến 50% trong thời gian tới, phần do sản xuất đình đốn và phần khác do khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều chịu tác động. Đặc biệt, ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” vừa qua, nhiều địa phương phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải có các biện pháp phòng dịch khoa học, nhất quán để tránh những thiệt hại vô ích cho doanh nghiệp.
Chuẩn hóa quy trình và chuẩn hóa áp dụng
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ các phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát tại cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (Chụp ngày 25/7) Ảnh: Tạ Hải
Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức các đoàn kiểm tra, từng bước tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Đã có những “nút thắt” nào được cởi bỏ và còn những rào cản nào khiến doanh nghiệp phải chịu những “thiệt hại vô ích” như ông đề cập?
Sau khi có “luồng xanh” vận tải, Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, kiến nghị, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương chấp nhận kết quả xét nghiệm qua test nhanh và thời hạn kết quả áp dụng trong 72 giờ. Tình trạng tắc nghẽn tại các chốt kiểm dịch cũng như cửa ngõ ra vào một số địa phương cũng có cải thiện.
Tuy nhiên, khó khăn nhất mà các doanh nghiệp vận tải đường bộ vẫn đang phải đối mặt chủ yếu đến từ các quy định phòng, chống dịch bệnh không đồng nhất giữa các địa phương.
Trước hết, đó là quyết định đóng cửa đường quốc lộ khi phong tỏa địa bàn như Hà Nội vừa áp dụng khi thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 ngày 24/7 vừa qua.
Chúng tôi ủng hộ và luôn chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của TP. Nhưng tại sao địa phương lại phong tỏa quốc lộ - “động mạch chủ” của “mạch máu” giao thông quốc gia?
Quyết định bất ngờ và không hợp lý này của Hà Nội khiến hàng nghìn phương tiện, tài xế phải nằm cả ngày trên các cửa ngõ ra vào Thủ đô, gây tổn thất vô cùng lớn về thời gian, tiền bạc, cơ hội và cả sức khỏe lái xe!
Bạn có biết vì sao chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện giờ không còn tắc nghẽn không? Là bởi vì, Hà Nội phân luồng, yêu cầu tài xế đi tuyến khác từ Vực Vòng - cách TP cả 50km!
Như vậy, xe từ các tỉnh phía Nam giờ muốn đi Lạng Sơn, bắt buộc phải “mua đường”, đi vòng qua Hà Nam, sang Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh rồi mới lên được Lạng Sơn. Khoản chi phí phát sinh này, doanh nghiệp, nền kinh tế phải gánh chịu!
Điều này đã xảy ra ở Hải Dương trong đợt dịch thứ 3 vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Hồi đó, khi Hải Dương phong tỏa Chí Linh, đồng thời phong tỏa luôn QL18 qua địa bàn này.
Các tài xế buộc phải đi vòng qua lối Cầu Hồ, mỗi chuyến xe như vậy đội chi phí 700 - 800 nghìn đồng. Rồi khi Hải Dương phong tỏa tiếp Cẩm Giàng “kèm” QL5A, tài xế phải vòng sang Hưng Yên qua QL5B, chi phí đội tới 1,5 triệu đồng/chuyến.
Trong 3 tuần Hải Dương phong tỏa 2 quốc lộ đó, chỉ riêng Delta chúng tôi tổn thất hơn 2 tỷ đồng. Còn thiệt hại cho nền kinh tế trong 3 tuần đó, theo tính toán của một số chuyên gia lên tới xấp xỉ 1 tỷ USD (mỗi ngày “mất” khoảng 1.000 tỷ đồng). Tôi rất tiếc, rất xót xa vì Hà Nội đã không “học” được gì từ bài học tỷ USD của Hải Dương!
Ngoài thực tế như ông vừa đề cập, còn khó khăn nào mà doanh nghiệp vận tải phải đối mặt?
Khó khăn thứ hai, đó là việc thực hiện quy định xét nghiệm Covid-19 với lái xe. Mặc dù Bộ Y tế đã cho phép xét nghiệm nhanh, thời hạn áp dụng 72 giờ nhưng một số địa phương vẫn yêu cầu phải xét nghiệm PCR đối với các lái xe đến từ các địa phương có dịch.
Không chỉ gây tốn kém tiền bạc gấp 2 - 3 lần, thời gian lấy mẫu và chờ kết quả PCR cũng kéo dài cả nửa ngày trời, thậm chí hơn. Một số địa phương lại giới hạn kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, 48 giờ… khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi rơi vào cảnh khóc dở mếu dở.
Tôi xin kể, vừa rồi, xe container của chúng tôi chạy từ Hải Phòng đi trả hàng ở Phú Thọ mất 19 giờ vì tắc đường ở Hà Nội do phong tỏa địa bàn chống dịch.
Chiều về mất thêm 12 giờ để đến địa phận Hải Dương, đúng lúc giấy xét nghiệm của lái xe hết hạn 72 giờ. Xe phải dừng lại để lái xe làm xét nghiệm PCR và đợi 24 giờ nữa để chạy nốt vài chục km!
Nhiều lái xe của chúng tôi đã xin nghỉ việc vì ám ảnh việc mấy ngày lại bị “chọc ngoáy” một lần. Ngoài chuyện phải chịu đau, điều làm các lái xe lo sợ hơn là nguy cơ lây nhiễm bởi tình trạng chen chúc khổ sở như báo chí đã từng phản ánh.
Lực lượng chức năng TP Hà Nội yêu cầu các phương tiện dừng để kiểm tra y tế tại chốt 12, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ
Để tháo gỡ những nút thắt này, từ góc độ doanh nghiệp, ông có đề xuất giải pháp tổng thể thế nào?
Trước hết, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành liên quan như Y tế, Công thương, GTVT, Thông tin và Truyền thông… xây dựng một bộ các tiêu chí, yêu cầu đối với hoạt động vận tải trong các tình huống khác nhau. Những tiêu chí này phải được dựa trên căn cứ khoa học.
Trên cơ sở đó, ứng với hoạt động kiểm soát dịch bệnh cụ thể của địa phương (tương ứng với các cấp độ dịch bệnh), địa phương chỉ cần “mang” bộ tiêu chí đó ra áp dụng.
Bộ Y tế “chốt” phương pháp, thời hạn áp dụng quy định về xét nghiệm. Riêng Hiệp hội chúng tôi cho rằng, Bộ Y tế xem xét bỏ luôn thời hạn xét nghiệm vì kết quả đó chỉ khẳng định tài xế “âm tính” tại thời điểm lấy mẫu.
Thay vì như vậy, cần ban hành quy định, hướng dẫn hành lang an toàn cho tài xế từ điểm đầu đến điểm cuối của hành trình.
Các địa phương bố trí, sắp xếp các điểm dịch vụ dừng nghỉ an toàn cho tài xế (tại đây tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như với khu cách ly).
Các doanh nghiệp cũng phải đào tạo, kiểm soát và chịu trách nhiệm về tài xế tuân thủ quy định phòng dịch trong suốt hành trình; nếu vi phạm, gian dối sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…
Riêng về công tác xét nghiệm, chúng tôi kiến nghị Chính phủ quy định rõ về việc chấp nhận xét nghiệm nhanh với lái xe trên toàn quốc và Bộ Y tế cho phép lái xe tự làm xét nghiệm để giúp vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo; đồng thời giảm tải cho lực lượng y tế…
Bộ GTVT đảm bảo lưu thông thông suốt trên toàn bộ tuyến quốc lộ.
Đặc biệt, cần phải kết nối 3 phần mềm: Bluezone của Bộ TT&TT, Khai báo y tế (Bộ Y tế), cấp mã QR code để phân luồng (Tổng cục đường bộ VN) và 2 cơ sở dữ liệu là người lái và phương tiện để kiểm soát xe di chuyển và phân luồng tự động cho lái xe, giảm thiểu kiểm soát thủ công gây ách tắc.
Nếu tất cả lái xe sử dụng phần mềm Bluezone kết nối với phần mềm Khai báo y tế, phần mềm quản lý mã QR code, sử dụng dữ liệu định vị xe và người lái của Tổng cục đường bộ thì ở chốt kiểm dịch luôn có đầy đủ thông tin xe nào chuẩn bị đi qua chốt và được phân vào “luồng xanh”, “luồng đỏ”... tự động để chốt kiểm tra chính xác xe/người lái có rủi ro cao, chứ không phải kiểm tra thủ công 100% xe như hiện tại, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, vai trò điều hành của chính quyền các địa phương vô cùng quan trọng. Bởi như chúng ta đã thấy, vừa qua, các bộ ngành đã điều chỉnh một số quy định, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn, nhưng nhiều địa phương vẫn ban hành những quy định riêng.
Cảm ơn ông!
Bỏ quy định cấm vận chuyển hàng không thiết yếu
Ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo từ 0h ngày 30/7, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR code còn thời hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR code hoặc có những hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.
Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.
Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, các xe thuộc diện được ngành GTVT cấp Giấy nhận diện có QR code là hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông nhằm tránh việc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông, đây là danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
Bà Phan Thị Thu Hiền (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN):
Đề xuất khả thi, cần được xem xét
Từ khi triển khai tới nay, hiệu quả tích cực từ việc áp dụng “luồng xanh” đang dần dần được khẳng định. Các phương tiện đã được cấp giấy nhận diện kèm theo mã QR code được tạo điều kiện tối đa để lưu thông qua các chốt phòng chống dịch Covid-19, giúp giảm ùn tắc giao thông.
Mới nhất, Chính phủ đã ban hành văn bản số 5187 ngày 29/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, trong đó ưu tiên cho các phương tiện có thẻ nhận diện còn hạn chỉ phải kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại các chốt.
Về đề xuất cần xây dựng phương án “luồng xanh” cụ thể cho các trình trạng dịch bệnh tương ứng với các Chỉ thị hiện nay, đây là đề xuất có tính khả thi, cần xem xét.
Ví dụ khi áp dụng Chỉ thị 15 có phương án “luồng xanh” cho Chỉ thị 15. Khi áp dụng Chỉ thị 16 có phương án “luồng xanh” áp dụng cho Chỉ thị 16 và khi áp dụng Chỉ thị 19 thì có phương án “luồng xanh” cho Chỉ thị 19.
Đối với các đề xuất trên, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng thiết yếu của xã hội, không đứt gãy dây chuyền sản xuất.
Trần Duy (Ghi)
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư):
Cần một quy trình thống nhất trên toàn quốc
Đành rằng phải đặt mục tiêu an toàn, phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu, nhưng cách làm thì cần phải có sự thống nhất. Thực tế vừa qua có những bất cập về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19. Mỗi nơi một kiểu, nơi thì công nhận 48 giờ, nơi thì 72 giờ. Sự không nhất quán này tạo ra sự ách tắc trong lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tháo gỡ, cần tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau. Kết quả xét nghiệm được một địa phương thừa nhận thì địa phương khác cũng phải thừa nhận. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và minh bạch các thông tin về biện pháp phòng chống dịch.
Theo tôi cần nhanh chóng ban hành quy định chung, các bộ ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ TT&TT ngồi lại với nhau để bàn thảo, thống nhất một quy trình để có thể áp dụng trên toàn quốc.
Phùng Đô (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận