Giao thông

Cần rà phá bom mìn trước khi GPMB xây CHK Quốc tế Long Thành

28/03/2018, 12:38

Các công tác chuẩn bị khởi công xây dựng CHK Quốc hội Long Thành còn nhiều vấn đề đặt ra, cần sớm giải quyết.

IMG_5837

Quang cảnh buổi hội thảo

Sáng nay (28/3) tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” do Bộ GTVT phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức. Hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia, cùng nhiều cơ quan ban ngành liên quan đến tham dự...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ là cửa ngõ hàng không lớn nhất cả nước. Dự án cũng được kỳ vọng trở thành Cảng hàng không (CHK) trung chuyển của khu vực mang lại nguồn thu lớn cho ngành Hàng không, dần hình thành một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam bộ và cả nước.

Theo ông Sơn dự án cũng là lời giải triệt để cho tình trạng quá tải, ách tắc tại CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ của dự án như chủ đề hội thảo đặt ra là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng việc triển khai dự án ở thời điểm này bị chậm (Việc xây dựng một sân bay Long Thành đã được đề cập từ trước năm 1975 và Chính phủ chính thức có quy hoạch từ năm 2005) làm đất nước vuột đi nhiều cơ hội. Vì vậy việc sớm triển khai hoàn thành dự án cũng là mong mỏi chung của cả nước trước hết là người dân và chính quyền Đồng Nai, TP.HCM.

IMG_6808

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát hiện trường dự án CHK Quốc tế Long Thành dịp cuối tháng 7/2017

Chủ trương xây dựng CHK Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.

Tổng mức đầu tư cho dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD). Dự án có tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5.000ha, ảnh hưởng khoảng 47.000 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 23.000 tỷ đồng. Hiện nay các chính sách GPMB đã được xây dựng để sớm triển khai trên thực tế.

Về phương án kiến trúc sau nhiều cuộc trưng bày lấy ý kiến Chính phủ đã thống nhất lựa chọn phương án nhà ga mang biểu tượng hoa sen vừa hiện đại, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc của nhà thiết kế Hàn Quốc. Hiện nay, việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đang được tiến hành và buộc phải được Quốc hội thông qua (dự kiến tháng 10/2019). Tiếp đến là các bước chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng.

IMG_5839

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải đáp các thắc mắc liên quan đến dự án CHK Quốc tế Long Thành tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng dự án CHK Quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015. Đặt mốc 2025 sẽ đưa vào khai thác CHKQT sân bay Long Thành giai đoạn 1. Hiện, Chính phủ đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cơ quan chủ đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, có thể làm sớm hơn một số hạng mục như san nền và có thể khởi công xây dựng các khu bay vào năm 2021 và nhà ga vào các năm tiếp theo để có thể đưa CHK Long Thành hoàn thiện giai đoạn 1 vào khai thác. Đây là mốc tiến độ để làm cơ sở Bộ chỉ đạo, các cơ quan đơn vị phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo với Chính phủ, trình Quốc hội làm cơ sở triển khai thực hiện dự án chi tiết.

GPMB là khâu quan trọng đã được QH thông qua chủ trương, đầu tư dự án. Theo quy định của Chính phủ thì những dự án trọng điểm quốc gia thì Bộ GTVT chúng tôi đồng thẩm định, Bộ kế hoạch & Đầu tư chủ trì để tổ chức thẩm định báo cáo Chính phủ phê duyệt. Và trên cơ sở phê duyệt đó để triển khai giải phóng mặt bằng. Dự kiến, sẽ có mặt bằng sạch vào năm 2020 để khởi công một số hạng mục.

CHK Quốc tế Long Thành hiện đang có nhiều cơ hội để phát triển, cụ thể đó là sự quan tâm của Đảng, Chính Phủ, việc GPMB cũng đã được triển khai các bước chi tiết… Quan trọng hơn nữa, đã được Nhà nước dành nguồn vốn sẵn sàng để thực hiện từ nay đến 2020, Quốc hội đã thông qua. Cơ hội rất lớn là phát triển thị trường HK cho VN nói chung địa bàn miền Nam nói riêng. Theo dự báo của nhiều tổ chức hàng không quốc tế, Việt Nam nằm trong 5 nước trong khu vực có địa bàn tăng trưởng hàng không cao nhất. Điều này góp phần kích thích cho hạ tầng hàng không phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

1-05277

Phối cảnh CHK Quốc tế Long Thành

Đến nay việc bám sát tiến độ, huy động nguồn lực cũng là thách thức lớn đối với dự án. Việc hút nguồn lực tư nhân thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách, và các bước triển khai các bước để lựa chọn nhà đầu tư thích hợp cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, vì đây là dự án đặc biệt quan trong có quy mô lớn, phức tạp nên còn rất nhiều khó khăn phía trước. Vì vậy tại Hội thảo này chúng tôi mong muốn các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến chúng ta cần làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai dự án.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó TGĐ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Hiện nhà đầu tư lập tiến độ trên cơ sở tiến độ yêu cầu của Quốc hội Chính phủ với các mốc thời gian cụ thể. Giai đoạn nghiên cứu khả thi từ 12/2017 dự kiến năm 2019 Quốc hội sẽ thông qua và báo cáo nghiên cứu khả thi được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2019. Từ 2019 đến 12/2020 sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật đến giữa 2021 sẽ hoàn tất công việc này.

Theo ông Bình, các công tác chuẩn bị khởi công dự án CHK Quốc tế Long Thành cần sớm được triển khai. "Chúng tôi nghĩ việc xây dựng CHK Quốc tế Long Thành cần phải làm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên để kịp tiến độ, tôi cho rằng nhiều công tác có thể làm trước như rà phá bom mìn trước khi GPMB… như thế sẽ tiết kiệm được thời gian. ACV đang dự kiến, kiến nghị những vấn đề tháo gỡ vướng mắc để trình Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.