Một va chạm trên cầu Long Thành khiến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt hơn 2 tiếng đồng hồ hướng từ QL51 về TP.HCM.
Lo tắc đường khi đến “siêu sân bay” Long Thành
Đô thị Nhơn Trạch được tỉnh Đồng Nai xác định và quy hoạch từ khoảng 15 năm trước với tầm vóc quy mô và hiện đại. Thế nhưng, đến nay so giữa quy hoạch và thực tế Nhơn Trạch vẫn chưa phát triển được là bao. Ước mơ về một “phố đô thị mới” của Đồng Nai để chia tải cho TP.HCM đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nguyên nhân là do cách trở đò ngang, phà Cát Lái bao nhiêu năm vẫn chịu cảnh quá tải, ùn tắc bất kể ngày nào. Cầu Cát Lái cứ rục rịch xây dựng nhưng sau hơn 10 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ở Đồng Nai còn một dự án đặc biệt quan trọng, mang tầm quốc tế đó là “siêu sân bay” Long Thành. Sân bay này được thiết kế với công suất 100 triệu hành khách/năm. Dự án này đã được khởi công giai đoạn 1 vào đầu năm 2021 và sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Trả lời Báo Giao thông, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết, đơn vị này đã nhận bàn giao từ Đồng Nai 2.500ha mặt bằng và đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng rà phá bom mìn. Còn 2.500ha sẽ tiếp tục nhận trong năm 2021, rà phá bom mìn xong toàn bộ khu vực này. Qua năm 2022 sẽ bắt đầu thi công trên thực địa với các hạng mục san lấp mặt bằng, xây nhà ga và các khu chức năng khác.
“Mục tiêu đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác năm 2025 là không thay đổi. Muốn làm được điều đó thì từ 6 tháng trước các hạng mục phải hoàn thành cơ bản để đưa vào vận hành thử”, ông Bình khẳng định.
Tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đã gấp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được vì đã khởi công, nguồn vốn đã có, đáng lo ngại là nhiều tuyến giao thông kết nối với “siêu sân bay” này vẫn đang “nằm trên giấy”.
Tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với TP HCM ngắn nhất hiện nay là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo thống kê của Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam, bình quân mỗi ngày cao tốc này có khoảng 52.000 lượt phương tiện lưu thông, cao điểm cuối tuần lên đến 57.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đủ đáp ứng khoảng 44.000 lượt phương tiện. Những năm qua, cao tốc này thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, kẹt xe.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, hiện cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mỗi bên chỉ cho 2 làn ô tô. Chỉ cần 2 xe tải chạy song song đã thấy nguy hiểm. “Khi có sân bay Long Thành chắc chắn tuyến cao tốc này sẽ quá tải, vì vậy cần sớm có phương án mở rộng tuyến đường bộ này”, ông Tống nói.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, khẳng định việc kết nối giao thông liên vùng giữa TP HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là mấu chốt cho sự phát triển tăng tốc của vùng. Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu…nhưng cả chục năm qua vẫn nằm trên giấy.
Điều này đang tạo nên sự tắc nghẽn, trở lực cho sự phát triển của liên vùng. “Đến năm 2025, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thì sẽ tạo thêm một điểm tắc mới”, ông Lịch lo ngại.
Phà Cát Lái thường xuyên ùn tắc vào các dịp lễ Tết
Đứng ở góc độ của một chuyên gia về quy hoạch, Tiến sĩ khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần có kế hoạch bài bản của nhiều ngành và chạy song hành với nhau. Tức là không chỉ xây sân bay Long Thành mà cần quan tâm xây dựng hệ thống giao thông kết nối. Nếu không, xây xong sân bay mà không có kết nối thì không phải huy tác dụng tối đa. Bởi theo ông Sơn, với quy mô một sân bay tầm 100 triệu hành khách mỗi năm, cần ít nhất 100 nghìn nhân viên làm việc. Như vậy cần có một đô thị từ 500 nghìn dân trở lên để họ sinh sống.
“Tôi kỳ vọng là Chính phủ sẽ có những kế hoạch vốn để chuẩn bị cho những dự án đi song hành cùng sân bay Long Thành để xứng đáng là một sân bay trung chuyển tầm quốc tế, phục vụ cho vùng đô thị TP.HCM”, ông Sơn nói.
Cần tăng tốc kết nối hạ tầng
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT, hiện nay kết nối trực tiếp với khu vực sân bay Long Thành có các cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và QL51. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được đầu tư, sẽ hoàn thành trong vài năm tới. UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang xúc tiến kêu gọi đầu tư cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu theo hình thức đối tác công tư.
Đới với phương án kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đơn vị này được Bộ GTVT giao thực hiện báo cáo nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra 8 làn xe. Trong đó sẽ tập trung mở rộng trước đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao với cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dài 24km. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 là gần 10.000 tỷ đồng.
“Ban đang kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công (vốn trong nước hoặc ODA). Sau đó, Bộ GTVT lập phương án khai thác hoặc chuyển giao quyền khai thác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Đại diện nhà tài trợ JICA (Nhật Bản) đã có buổi làm việc và thị sát hiện trường tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua đó JICA rất quan tâm tài trợ vốn cho dự án”, ông Thi nói.
Một dự án khác cũng rất quan trọng trong việc kết nối TP HCM với Đồng Nai là tuyến Vành đai 3. Ông Trần Văn Thi cũng cho biết đã kết hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu cho Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.
Dự án thành phần 1A chiều dài khoảng 8,75km, rộng 26m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận TP Thủ Đức (quận 9 cũ).
Dự án này có một cầu quan trọng bắc qua sông Đồng Nai, từ quận 9 (cũ) qua khu Nhơn Trạch. Cầu này được xây dựng bằng bê tông cốt thép đúc hẫng, tương tự như cầu trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ông Trần Văn Thi cho biết, hiện Đồng Nai và TP HCM đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến quý III/2021 sẽ khởi công đoạn tuyến này và sẽ hoàn thành sau 3 năm.
Mô hình cầu vượt Cát Lái
Ở hướng khác, cầu Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư. Cả hai địa phương Đồng Nai và TP.HCM đều thống nhất phương án tự đầu tư đường ở phía hai bờ, còn phần cầu sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện nay, Sở này đã nhận được hồ sơ của 8 nhà đầu tư đấu thầu thực hiện dự án BOT xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với TP. Thủ Đức (TP.HCM) với quy mô từ 4, 6 hoặc 8 làn xe. Hiện Sở GTVT hai địa phương đang lấy ý kiến các sở ngành để thống nhất vị trí xây cầu.
Cầu Cát Lái được triển khai chắc chắn sẽ là 1 tuyến giao thông đường bộ huyết mạch giúp kết nối nhanh chóng giữa TP.HCM và sân bay Quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT, trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải khu vực phía Nam, về lâu dài sẽ có tuyến đường sắt để kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Có 2 phương án đưa ra, là sẽ có tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (dài 37km) hoặc tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang (đoạn TP.HCM - Long Thành, dài 33km).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận