CSGT Hà Nội lập biên bản tạm giữ GPLX và các giấy tờ khác có liên quan của người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông - Ảnh: Tạ Tôn |
Theo một số ý kiến, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự phối hợp, liên kết thông tin giữa các cơ quan liên quan như Công an, GTVT và chính quyền địa phương khiến người vi phạm không đến chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng ngày càng gia tăng.
Một vấn đề được nói rất nhiều tại các diễn đàn của Ủy ban ATGT Quốc gia, đó là xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung về ATGT để quản lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng các dữ liệu của từng cơ quan, đơn vị cần có sự kết nối liên thông hay cần có cơ sở dữ liệu chung. Trên nền dữ liệu đó, các tổ chức, cá nhân có thể truy cập thông qua tài khoản để sử dụng, khai thác. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là việc ngăn chặn tình trạng người vi phạm không đến cơ quan chức năng chấp hành quyết định xử phạt.
Thế nhưng, đến nay điều này vẫn chưa trở thành hiện thực, cũng vẫn là từng cơ quan đầu tư tiền tỷ, tự xây dựng riêng cho mình một hệ cơ sở dữ liệu được đánh giá đầy đủ nhất, tiêu chuẩn nhất nhưng chỉ để phục vụ nội bộ và sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả. Ngành công an có dữ liệu về xử lý vi phạm, TNGT; ngành đường bộ cũng có dữ liệu cá nhân về mỗi GPLX... Thế nhưng, cơ sở dữ liệu các cơ quan này lại không thể liên thông, khiến việc tra cứu, đối soát, tham chiếu trong từng trường hợp gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một người vi phạm giao thông mà “trốn tránh” không đến cơ quan chức năng giải quyết, nếu liên thông dữ liệu với ngành GTVT, ngay lập tức có thể xác định số GPLX đó có hợp lệ, có vi phạm hay không để ngừng cấp mới GPLX. Thế nhưng, hiện nay không thể làm điều đó, phải chờ hậu kiểm mới biết được.
Chưa nói đến chuyện hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược trật tự ATGT, việc xây dựng phần mềm riêng một cách tự phát, dữ liệu không liên thông đang khiến ngay cả một việc nhỏ như xử lý hàng ngàn GPLX bị tồn đọng tại các cơ quan chức năng, người vi phạm không quay lại cơ quan công an thực hiện các thủ tục nộp phạt cũng trở nên vô cùng khó khăn. Rộng hơn, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và chia sẻ hệ dữ liệu đối với cùng một phương tiện, một chủ phương tiện thì việc biết được lịch sử người lái xe này có an toàn hay không, có vi phạm hay không còn xa vời. Điều quan trọng, việc không liên thông dữ liệu, không chỉ khiến người dân tốn thời gian, tiền bạc trong thực hiện các thủ tục hành chính mà lớn hơn nó gây lãng phí về nguồn lực Nhà nước trong quản lý, điều hành. Mỗi nơi một kiểu, phần mềm không kết nối sẽ khiến thông tin không được chia sẻ. Và khi thông tin không được chia sẻ sẽ là thông tin chết. Một sự lãng phí khó có thể tính toán được. Hơn nữa, việc quản lý, cập nhật thông tin mang tính đơn lẻ, độ tin cậy thấp, không đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước.
Với Nghị quyết 36a, Chính phủ xác định mục tiêu là nền hành chính công phải minh bạch hóa, được giải quyết qua mạng, đăng tải công khai trước mắt người dân. Tuy nhiên, điều này dường như chưa phải là điều mong muốn của nhiều công chức, cơ quan, đơn vị. Cải cách hành chính phải bắt đầu bằng cải cách con người. Những nỗ lực ban đầu thực hiện Chính phủ điện tử có vẻ vẫn còn rất chông gai, khi mà tình trạng cát cứ số liệu giữa các cơ quan, đơn vị vẫn còn diễn ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận