Bỏ tiền tỷ mua nhà chỉ được cầm chìa khóa mà không được vào nhà
Đa số những người mua nhà ở dự án này bày tỏ sự bức xúc vì bỏ tiền mua nhà nhiều năm qua nhưng chưa được bàn giao căn hộ.
“Cay đắng nhất chưa có một tổ chức cá nhân nào trả lời rõ được câu hỏi của người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực là bao giờ được bàn giao căn hộ, dọn đến ở? Bỏ bao nhiêu tiền để mua nay chỉ nhận được chùm chìa khóa, nhà thì không được vào”, chị Hoàng Thị Tuyết, khách hàng mua căn hộ tại tầng 15 của toà nhà này bức xúc nói.
Ông Phạm Ngọc Linh (62 tuổi), mua căn hộ tại tầng 16 tòa nhà 8B Lê Trực, cho biết ông ký hợp đồng mua nhà từ khi vẫn công tác với mong muốn về dưỡng già, nhưng nay nghỉ hưu đã 2 năm vẫn phải đi thuê nhà ở, vì nhà cũ đã bán, dồn tiền mua căn hộ tại dự án này.
“Khi tôi tìm hiểu, ký hợp đồng mua nhà, dự án đã cất nóc, tin tưởng chắc chắn có nhà ở nên mới dám bán nhà cũ để chờ nhận nhà mới. Nhưng nay thì nhà mới vẫn là khối bê tông bị “treo” vì chưa xử lý phần sai phạm xong, nhà cũ đã bán lấy tiền nộp cho chủ đầu tư. Bây giờ, vợ chồng già chúng tôi cùng gia đình con, cháu nhỏ vẫn phải thuê nhà ở. Các con tôi muốn sinh thêm con kẻo quá tuổi sinh đẻ nhưng giờ vẫn thuê nhà, lại chưa dám…”, ông Linh bức xúc.
“Chưa từng thấy dự án nào mà Thủ tướng phải 6 lần chỉ đạo giải quyết dứt điểm mà vẫn trơ gan như thế. Tôi cho rằng, tập thể những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực này cần đoàn kết lại, cùng thuê tư vấn luật, soạn thảo đơn để khởi kiện chủ đầu tư ra tòa. UBND quận Ba Đình cũng làm việc tắc trách, không rốt ráo xử lý sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Nguyễn Văn Tuấn (54 tuổi), khách hàng mua căn hộ tại 8B Lê Trực, gay gắt nói.
"Dùng ô tô chở đơn không hết nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng"
Dù đã sắp đến Tết Nguyên đán, nhưng hàng chục hộ dân đã bỏ tiền mua nhà tại dự án 8B Lê Trực vẫn tiếp tục đi đòi quyền lợi ở dự án này.
Đa số các ý kiến cư dân muốn tìm hiểu xoay quanh vấn đề vì sao không xây dựng thêm? Vướng mắc ở đâu khi chưa xử lý tháo dỡ được phần sai phạm? Có tháo dỡ được phần sai phạm hay không? Khi nào được nhận nhà về ở?...
Ông Lê Văn Hùng, đại diện Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực), cho biết sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến của khách hàng để báo cáo ban lãnh đạo công ty.
Ông Hùng cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 1 phá dỡ phần sai phạm của công trình vào năm 2016, đã gần 4 năm qua, đã có rất nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi: Chính phủ, Quốc hội, Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội… Nội dung các đơn thư cơ bản là xin chủ trương xử lý dứt điểm các vấn đề sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, bàn giao cho người mua nhà về ở.
“Tuy nhiên, các đơn thư gửi đi lại được quay về giao cho UBND TP.Hà Nội giải quyết. Từ đây, UBND TP.Hà Nội lại giao UBND quận Ba Đình. Cấp quận lại giao xuống đến phường Điện Biên… Vòng luẩn quẩn cứ thế, trong khi công trình không được hoàn thiện, trơ ra khối bê tông giữa phố, còn người mua nhà không được vào ở, chủ đầu tư đương nhiên thua lỗ…”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, kết thúc giai đoạn 1 phá dỡ tầng 19 và tum thang của công trình 8B Lê Trực, đã có khoảng hơn 130 văn bản gửi qua lại giữa các cơ quan chức năng nhưng vấn đề giải quyết dứt điểm cho tương lai tòa nhà chưa rõ.
Nhiều người mua nhà yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết gắn trách nhiệm đến cùng với khách hàng mua nhà. Ông Hùng cũng khẳng định sẽ đảm bảo trách nhiệm đầy đủ với người mua nhà bằng văn bản.
Theo ông Hùng, gần đây, cơ quan chức năng cho lắp cẩu tháp, lập hàng rào chuẩn bị dự kiến phá dỡ tại tầng 17 và 18 của tòa nhà 8B Lê Trực, nhưng chủ đầu tư chưa nhận được phương án phá dỡ được phê duyệt.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT công ty CP May Lê Trực cho biết: "Quan điểm của CĐT chúng tôi sẽ có trách nhiệm cuối cùng với sản phẩm của mình và có trách nhiệm với tất cả người dân mua nhà ở đây. Không những bằng lời hứa mà bằng cả trái tim. Lỗ bao nhiêu chúng tôi sẽ chịu việc đó".
Ông Minh cũng cho biết, chủ đầu tư sẽ đồng hành với cư dân tiếp tục kiến nghị để vụ việc này sớm kết thúc và người dân được nhận nhà.
"Hơn 4 năm qua, rõ ràng có những bất cập. Đơn thư chúng tôi đã gửi đi rất nhiều, dùng ô tô để chở những đơn này không hết nhưng đều đi theo một vòng luẩn quẩn đó là cơ quan của Nhà nước Trung ương chuyển về cho UBND TP Hà Nội, UBND TP HN chuyển cho UBND quận Ba Đình, sau đó lại chuyển cho phường. Quả bóng này cứ đá đi đá lại không ai giải quyết, đây là vấn đề tồn tại rất lớn", ông Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận