Bệnh nhân Đ. đang điều trị ngộ độc rượu tại BV Bạch Mai (Hà Nội) |
Tăng ca ngộ độc rượu methanol
BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. “Tại thời điểm này, hầu như ngày nào trung tâm chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, trong đó không ít bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi”, BS. Nguyên cho biết.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, số ca nhập viện cấp cứu do lạm dụng, ngộ độc rượu chủ yếu là nam giới (trung niên), thì nay số ca ngộ độc rượu phải nằm điều trị tích cực đang có chiều hướng trẻ hóa. Mới đây nhất, ngày 21/12, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.H (24 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ). Theo bệnh án, trong buổi họp lớp, H. uống rượu từ 22h ngày 19/12 đến 6h ngày 20/12 mới về nghỉ. Sau đó, nữ sinh này ngủ li bì cho tới 17h thì được nhóm bạn phát hiện bị ngộ độc rượu. H. nhập viện trong trạng thái mê man, nói sảng. Sau khi chẩn đoán tình trạng bệnh, các bác sĩ đã tích cực điều trị theo phác đồ giải độc rượu.
Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP vừa ra chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chỉ thị yêu cầu tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm;các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. |
Trước đó, bệnh nhân Trần Xuân Đ. (Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL (trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu).
Theo BS. Nguyên, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày, các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng rượu sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc, không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý cồn công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay và người dân hãy tự bảo vệ chính mình, nhất là trong dịp Tết”, BS. Nguyên nhấn mạnh.
Cơ sở bán rượu thùng phuy ven đường Tả Thanh Oai chỉ có giá từ 12-15 nghìn đồng/lit (ảnh cắt từ clip) |
Rượu pha giá cực rẻ bán công khai
Có mặt tại xã Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) trong những ngày cuối năm, ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, sau thời gian “im hơi lặng tiếng”, các cơ sở pha chế sản xuất rượu kém chất lượng lại bắt đầu tái hoạt động. Ngay tại một cơ sở ven đường Tả Thanh Oai, rượu được đựng trong các thùng phuy lớn cỡ 200 lít với nhiều loại nặng nhẹ, đắt rẻ khác nhau. Khi biết có khách đặt mua với số lượng lớn, một chủ hàng chỉ chúng tôi chỗ “rượu pha” và mời chào khá nhiệt tình: “Lấy đằng này thì 15 nghìn đồng/lít, còn đằng này thì chỉ 12 nghìn đồng/lít thôi. Nếu bán hàng thì nên lấy loại 15 nghìn đồng ấy, loại 12 nghìn đồng uống vào đau đầu, dễ mất khách”.
Để tìm hiểu kĩ hơn về loại rượu rẻ này, theo chỉ dẫn của chính người bán, chúng tôi tìm tới thôn Phú Diễn, khu vực tập trung nhiều lò nấu rượu nhất của Hữu Hòa. Nằm sâu trong một con hẻm ngang ven bờ sông Nhuệ đen đặc là cơ sở nấu rượu của gia đình ông Đ. Tại đây, hàng trăm lít rượu đang được lọc và đóng chai. Theo lời chủ cơ sở, số rượu này dùng để đưa đi phân phối khắp các hàng quán tại khu vực Hà Đông.
Rượu được người bán cam kết là rượu nếp, nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua với giá rẻ làm hàng, thì ông Đ. nhanh chóng mách bí kíp: “Muốn rượu nhẹ đi và được nhiều hơn phải pha thêm nước, ở đây toàn phải làm thế, rượu nặng quá họ lại bảo là rượu pha cồn". Nói đoạn, ông Đ. nhanh chóng múc nước từ trong bể không biết đã để bao lâu đổ vào chai rượu cho chúng tôi thử, vị rượu đã giảm đi vài độ, nhưng mùi vẫn rất sốc. “Nếu rượu nấu thật thì có giá 24 nghìn đồng/lít, còn mua rượu ngoài đường toàn rượu sắn, rượu săm Bắc Ninh uống chết người đấy”, ông Đ. cảnh báo. Tuy nhiên, theo một người dân nấu rượu lâu năm tại thôn cho hay: “Mua rượu mà chỉ 10 - 20 nghìn đồng/lít thì chỉ là rượu "đểu" vì nếu là rượu gạo nấu phải từ 25 - 30 nghìn đồng/lít”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận