Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thực phẩm trong dịp Tết. Ảnh: Ngọc Phạm. |
Tết đến, nhu cầu thực phẩm tăng đột biến, đây cũng là dịp nguồn cung thực phẩm bẩn có thể “bung” ra thị trường với số lượng lớn. Nhận định trên được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến: “An toàn thực phẩm cuối năm - Bao giờ hết nóng?” diễn ra chiều 18/1.
Thực phẩm an toàn chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, trong dịp Tết, nhu cầu thực phẩm tăng cao đột biến, các cơ sở sản xuất chế biến cũng phải vận dụng hết công suất để đáp ứng. “Trước thực trạng này, nếu cơ quan quản lý không có biện pháp hiệu quả, rất có thể nguồn thực phẩm bẩn sẽ nhân dịp này tuồn mạnh ra thị trường. Chính vì thế, trong đợt cao điểm vừa qua, chúng tôi đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ T.Ư tới xã, phường, tập trung vào những sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rau củ quả...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị kiểm nghiệm cần ưu tiên những mẫu thực phẩm được các đoàn kiểm tra mang về, sao cho có kết quả sớm nhất để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm nếu có”, ông Phong nói.
Về phía nhà cung cấp, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, thừa nhận tình trạng khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại Hà Nội rất lớn trong khi lượng hàng sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng khoảng 1/2, phần còn lại phải nhập từ bên ngoài.
Đáng nói, những chuỗi cửa hàng, siêu thị bán thực phẩm an toàn chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu người dân, còn những nơi khác thì không thể nói chắc được”, ông Chí cho biết. Trước thực trạng này, Hà Nội đang chủ trương liên kết với 21 tỉnh thành, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân. “Chúng tôi đang xây dựng tiêu chí cho nguồn thực phẩm an toàn, cũng là rào cản ngăn ngừa thực phẩm bẩn tuồn vào Thủ đô.”
Ghi nhận sự cố gắng của cơ quan chức năng, song theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt (Vinastas), vấn đề ATTP vẫn đang nóng hơn bao giờ hết. “Rau bẩn, thịt lợn đầy chất tăng trọng, thịt gà lại chứa chất vàng ô, chuối thì bị ngâm thuốc trừ sâu... Thử hỏi người tiêu dùng sao không lo lắng? Thậm chí ngay cả khi chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để đổi lấy sự an toàn thì người tiêu dùng vẫn có thể mua phải những bó rau không rõ nguồn gốc tại siêu thị”, ông Hùng đặt vấn đề.
Lật lại vụ rau “bẩn” tuồn vào các trường học tại Q. Tây Hồ dưới mác rau an toàn mới đây, ông Hùng bức xúc: “Chúng ta cứ kêu gọi người tiêu dùng phải thông thái nhưng thông thái làm sao khi mua hàng nhãn mác hẳn hoi nhưng thực tế lại không an toàn", Tổng thư ký Vinastas bức xúc. Theo ông Hùng, trong năm 2015, Vinastas nhận được khoảng 2.200 khiếu nại thì vấn đề liên quan thực phẩm bẩn chiếm hơn 20%. Đáng nói, khi giải quyết khiếu nại, cơ quan này đều không nhận được sự hợp tác từ phía cơ sở sản xuất, phân phối.
Càng thanh tra, càng phát hiện nhiều vi phạm?
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, đơn vị này đã tập trung thanh tra lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Kết quả đã xử lý hơn 10 nghìn vụ vi phạm. “Bức xúc nhất vẫn là chất cấm trong chăn nuôi. Cho đến nay, tình hình thuyên giảm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt”, ông Việt nói.
Trước câu hỏi, tại sao càng thanh, kiểm tra, số lượng vi phạm càng tăng, liệu có phải vấn đề ATTP đang vượt ngoài phạm vi kiểm soát, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng: “Nhận định trên cũng có cơ sở song chưa chính xác. Số vụ vi phạm tăng do số lượt các đoàn thanh, kiểm tra và số cơ sở được thanh, kiểm tra nhiều hơn. Còn tỷ lệ các cơ sở vi phạm trên số các vụ thanh, kiểm tra không tăng”.
Rủi ro trong quản lý ATTP là rất khó tránh, ngay cả tại những nước phát triển, vẫn có tỷ lệ vi phạm ATTP nhất định. Đừng nghĩ công tác thanh, kiểm tra có thể giải quyết triệt để mà vấn đề là cố gắng để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng”. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế |
Cụ thể, ông Phong lý giải, trước đây việc kiểm tra ATTP ở tuyến xã, phường chủ yếu là nhắc nhở, những vụ việc bị xử lý vẫn chưa tương xứng với thực trạng. “Có địa phương tiến hành gần 1.000 cuộc kiểm tra nhưng chỉ phạt có một, hai vụ. Năm 2016, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị để tiếp tục quyết liệt hơn ở tuyến dưới. Không thể để trên động mà dưới bất động. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo cương quyết với các tuyến, nếu nhận được thông tin phản ánh về ATTP mà không xử lý thì chi cục trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Phong nhấn mạnh.
Về mức xử phạt, theo Cục trưởng Cục ATTP, trong lĩnh vực ATTP, nếu xử lý nghiêm theo đúng quy định, thì mức phạt hiện nay được cho là hợp lý. “Tùy từng hành vi, trong đó có mức phạt trong quy định xử phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu, tập thể là 200 triệu. Nhưng trong nghị định hướng dẫn, ngoài mức tối đa, nếu chưa tương xứng với hành vi thì có thể cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm.
Thậm chí, nếu cần thiết phải hình sự hóa. Ngoài phạt tiền, DN, cá nhân vi phạm còn bị công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi cho rằng, đây là một hình thức có tính răn đe lớn”, ông Phong phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận