Hạ tầng

Cần Thơ, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

10/11/2022, 13:17

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Sáng 10/11, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã có buổi làm việc về tình hình triển khai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (hay còn gọi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cần Thơ, Cà Mau còn chậm

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km, tại khu vực ĐBSCL có 2 dự án thành phần.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 12 phải khởi công 12 dự án thành phần. Hiện, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án của Bộ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai theo đúng kế hoạch.

img

Trước khi bắt đầu làm việc cùng đại diện 5 địa phương có dự án đi qua Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã kiểm tra thực địa vị trí dự kiến khởi công dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lê An

Vừa qua, Bộ cũng đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu của 12 dự án thành phần với khoảng 25 gói thầu. Trong đó gói thấp nhất có giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng, gói cao nhất khoảng 9.000 tỷ đồng. Trong số các gói thầu này, Bộ GTVT sẽ lựa 12 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần để khởi công.

Báo cáo với Thứ trưởng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong đó, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có 1 gói thầu, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu.

Về công tác GPMB, đến nay, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 hơn 36km tuyến chính, đạt 96% và hơn 1km tuyến nối, đạt 13%. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 51km tuyến chính, đạt 71%.

Dự kiến trong tháng 11, các địa phương sẽ tiếp tục phê duyệt thêm khoảng 1km tuyến chính đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, khoảng 15km tuyến chính của đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Về nhu cầu tái định cư, ông Thi cho biết, dự kiến có khoảng 970 trường hợp, bố trí tại 8 khu, trong đó có 5 khu xây mới và 3 khu có sẵn. Các khu xây mới, địa phương đã bổ sung quy hoạch và hiện đang triển khai các thủ tục lập dự án đầu tư.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá, tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP Cần Thơ hiện không đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Cụ thể, việc triển khai phê duyệt phương án bồi thường và tiến độ chi trả của địa phương hiện đang rất chậm. Từ đó, chủ đầu tư kiến nghị, địa phương khẩn trương phê duyệt phương án và chi trả trong tháng 11/2022.

Đối với Cà Mau, kế hoạch bàn giao mặt bằng trước 30/5/2023, do đặc thù khu vực Cà Mau địa chất rất yếu, cần nhiều thời gian xử lý. Do đó đề nghị Cà Mau phấn đấu bàn giao mặt bằng phần còn lại trước 31/1/2023.

Quyết liệt bám sát tiến độ đề ra

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, vướng mắc hiện nay là người dân có sự so sánh mức giá đền bù. Từ đó gây khó khăn cho công tác phê duyệt phương án bồi thường.

Riêng đối với hơn 7km tuyến nối, địa phương mới nhận bàn giao mốc GPMB vào tháng 7 nên công tác triển khai các thủ tục còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến nối đi qua khu vực đô thị, rất nhiều hạ tầng điện nước.

Còn ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng tốc đẩy nhanh các thủ tục, cam kết cuối năm 2022, bàn giao 80% mặt bằng.

“Trong chiều nay, tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ để xem vướng mắc ở đâu và đề ra giải pháp giải quyết. Chúng tôi cam kết sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương có dự án cao tốc đi qua. Ảnh: Lê An

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong thời gian vừa qua, đã cơ bản đáp ứng được kế hoạch.

Về công tác GPMB, có 3/5 tỉnh đang vượt kế hoạch xây dựng đó là Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Riêng TP Cần Thơ và Cà Mau - hai địa phương đầu tuyến và cuối tuyến triển khai chậm.

“Các tỉnh đã có cam kết, tôi mong các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành đúng theo những gì đã đưa ra”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói và đề nghị hai địa phương này cần tập trung, quyết liệt, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB, tối thiểu phải bàn giao được 70% mặt bằng cho dự án vào ngày 20/11.

Thứ trưởng cũng lưu ý, việc xây dựng khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần lên phương án kế hoạch kỹ lưỡng, làm sao đồng bộ cùng công tác GPMB để dự án triển khai theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, 2 yếu tố quyết định đến tiến độ dự án đó là công tác GPMB và nguồn vật liệu cát. Đề nghị các địa phương phối hợp cùng các tỉnh có mỏ cát lớn hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài 109km. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025.

Tuyến này đi qua địa bàn TP Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.