Ngày 30/7, UBND thành phố Cần Thơ có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, đặt hàng đề tài Nghiên cứu phát triển công nghệ xây dựng hồ ngầm nhằm hạn chế ngập lụt kết hợp cấp nước sinh hoạt, sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu, hạn mặn xâp nhập trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận.
Nước ngập trong nội ô Cần Thơ sau cơn mưa dài chiều 29/7.
Nguồn ngân sách để thực hiện đề tài được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học được giao hàng năm cho Sở Khoa học và Công nghệ. Tỷ lệ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương bố trí cho đề tài là 10%.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, địa hình thành phố nhìn chung tương đối bằng phẳng và thấp hơn độ cao trung bình từ 1-1,5m, dốc từ đất giồng ven sông Hậu, sông Cần Thơ và thấp dần về phía nội đồng, tức từ phía Đông Bắc sang Tây Nam.
Địa chất trong thành phố được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa. Trên bề mặt, ở độ sâu 50m có hai loại trầm tích là phù sa mới và phù sa cổ.
Trong những năm gần đây, hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu càng làm cho thành phố Cần Thơ thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Nước ngập sâu do cơn mưa tối 29/7 trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Cần Thơ.
Triều cường là yếu tố chính trong ngập lụt ở Cần Thơ. Hằng năm, ngập ở Cần Thơ thường xảy ra vào các tháng 9, 10 và 11, đặc biệt ngập nặng vào ngày rằm và 30 âm lịch.
Trong đó có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4 -0,5m, ở trung tâm thành phố. Các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn cũng có nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước.
Ngập lụt càng nghiêm trọng hơn vào cuối năm khi triều cường kết hợp với mưa lớn làm cho hệ thống thoát nước quá tải.
UBND thành phố Cần Thơ nhận định, nguyên nhân ngập lụt là do địa hình trũng thấp, biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa càng khiến tình trạng trầm trọng.
Để giải quyết, Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp như xây dựng những công trình nhằm kiểm soát lũ, tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn triều, trạm bơm...
Các nước trên thế giới như Nhật, Úc, Trung Quốc... đã và đang triển khai các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hồ ngầm rất hiệu quả. Hướng đi này có thể giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở Cần Thơ.
Do đó, việc nghiên cứu phát triển công nghệ xây dựng hồ ngầm là cần thiết và cấp bách.
Cần Thơ dự kiến kinh phí để thực hiện đề tài là 17 tỷ đồng trong thời gian 30 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận