Sáng 10/10, trao đổi với PV Giao Thông, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, căn cứ diễn biến tình hình triều cường tại TP Cần Thơ vào sáng 10/10/2022, UBND TP vừa có chỉ đạo mới.
Theo đó, cho phép các học sinh trên địa bàn TP học trực tuyến 3 ngày, gồm: thứ Ba, Tư và Năm (tương ứng với ngày 11, 12 và 13/10) tới.
Học sinh Cần Thơ đi bộ đến trường giữa cảnh nước ngập mênh mông trong sáng 10/10.
“Hôm nay, học sinh của TP đã đến lớp, nên vẫn sẽ học bình thường. Ngay trong sáng nay, Sở sẽ có văn bản để thông báo triển khai việc học trực tuyến đến các đơn vị, cơ sở trực thuộc cũng như các phụ huynh và học sinh", ông Bình nói.
Trước đó, trong ngày 9/10, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó đợt triều cường cao nhất trong năm, sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới và xấp xỉ mốc lịch sử năm 2019.
Đường phố ở Cần Thơ ngập lênh láng do triều cường.
Dự báo, triều cường tiếp tục lên cao và khả năng đạt đỉnh từ ngày 10 đến 12-10, lên mức 2,20- 2,25m, cao hơn báo động 3 từ 0,20- 0,25m và tương đương với mức đỉnh triều lịch sử năm 2019.
Cần Thơ và các đô thị vùng hạ lưu có thể ngập nặng nhất trong năm do triều cường kết hợp nước sông từ thượng nguồn đổ về.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày hôm qua (9/10) và hôm nay (10/10), nhiều tuyến đường trong nội ô Cần Thơ tiếp tục ngập lênh láng do triều cường trên sông Hậu dâng cao.
Các tuyến đường ven sông Hậu, sông Cần Thơ và các con rạch như đường Cách Mạng Tháng Tám, Trần Việt Châu, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt… bị ngập nghiêm trọng, làm hàng loạt xe máy chết máy, gây khó khăn cho người dân đi lại cũng như mua bán.
Học sinh ở Cần Thơ sẽ học trực tuyến 3 ngày trước diễn biến phức tạp của triều cường.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, đợt triều cường này có thể gây ngập lụt một số khu dân cư ở vùng trũng thấp, ngoài đê bao và các cồn trên sông Hậu.
Đồng thời gây ngập lụt cục bộ một số tuyến đường trong đô thị, nhất là quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, một số khu vực nuôi trồng thủy sản ven sông và các cồn trên sông Hậu.
Ông Hè yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP, Bộ Chỉ huy quân sự TP, Đoàn thanh niên, UBND quận Ninh Kiều, UBND quận Bình Thủy chủ động xử lý sự cố ngập lụt các tuyến giao thông, xử lý ùn tắc giao thông, hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông…
Kẹt xe trầm trọng trên đường Mậu Thân vào sáng 10/10.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Điện lực TP kiểm tra, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện, trạm biến áp, nhất là các điểm bị ngập.
Đối với Sở GD&ĐT chủ động, kiểm tra, theo dõi, quyết định và chỉ đạo các trường học có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp, có thể học trễ giờ hơn, hoặc có thể nghỉ 2- 3 ngày nếu cần thiết, học bù sau…
Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, lũ đầu nguồn có khả năng xuất hiện vào trung tuần tháng 10. Tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 - 3,7 m, xấp xỉ và trên mức báo động 1 khoảng 20cm, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 70 - 90 cm.
Và đỉnh lũ năm 2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn mức báo động 1, tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng sẽ cao hơn năm 2021.
Ngoài gây ngập các khu vực đô thị, theo dự báo lũ kết hợp triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Đồng Tháp với diện tích 477ha, tỉnh Hậu Giang với diện tích 28.000ha. Còn tỉnh Tiền Giang diện tích bị ảnh hưởng 43ha, TP Cần Thơ với khoảng 8.000ha, Vĩnh Long có gần 13.000ha và tỉnh Kiên Giang với diện tích 3.500ha…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận