Xã hội

Cần Thơ: Chuyện ngập đô thị và sự đánh đổi không tương xứng

08/12/2022, 13:22

Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ nói: “Trong tình thế cấp thiết, chúng ta hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn, nhưng hiện nay thì ngược lại”.

Nước tràn về đô thị, "chê" nông thôn

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường lệ cuối năm), HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra với phần thảo luận tổ. Kỳ họp khai mạc vào sáng 7/12.

img

Quang cảnh kỳ họp.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều lượt ý kiến sâu sắc, thiết thực sát hợp với tình hình thực tiễn của TP.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ đã nhắc lại chuyện đường phố ở Cần Thơ ngập mênh mông nhưng ruộng đồng lại không có nước. Và ở đó đã có sự đánh đổi không tương xứng về mặt lợi ích.

img

Đường phố Cần Thơ ngập nặng do triều cường.

Theo ông Hiểu, hiện nay, các vùng trồng lúa hầu hết đều làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3. Đến khi nước từ thượng nguồn đổ về, không vào được đồng ruộng thì phải tràn qua chỗ khác, và gây ngập.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp, năm 2022, Cần Thơ thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo nghị quyết của HĐND TP đề ra. Nổi bật, là tăng trưởng GRDP đạt 12,64% so với năm 2021; hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; hoạt động thương mại - dịch vụ tăng mạnh; hoạt động du lịch khởi sắc, phục hồi mạnh mẽ…

Không chỉ riêng cần Thơ, tình trạng này đang diễn ra ở khắp các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… Ở đó, đồng ruộng đã bị chặn hết bằng những đê bao, dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Tôi sống ở Ninh Kiều trên 40 năm, thời điểm cao độ, mặt đường còn thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng lại không có nước. Bây giờ chúng ta nâng cấp đường cao lên 7-8 tấc (1 tấc = 10cm) nhưng vẫn ngập”, ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, hàng năm, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đã ít đi nhưng tình trạng ngập vẫn tăng và nghiêm trọng. Bởi đồng ruộng đã bị các hệ thống đê bao chặn hết, nước không vào được.

TP Cần Thơ có khoảng 141.000 ha, trong đó khoảng 117.000 ha đất nông nghiệp. Và trong số đất nông nghiệp này có khoảng 95.000 ha đất lúa. Chỉ riêng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No đã “bao phủ” khoảng 70.000 ha đất lúa.

Ông Hiểu phân tích: “Thời kỳ triển khai các dự án này đó là giai đoạn chúng ta còn khó khăn, cần phải trồng lúa đảm bảo lương thực. Nhưng bây giờ giá lúa thấp, giá trị sản phẩm nông nghiệp sụt giảm”.

img

Nghề trồng lúa vẫn đang có thu nhập bấp bênh.

Hy sinh chuyện lớn, đổi chuyện nhỏ?

Tại Cần Thơ, đất lúa chiếm diện tích nhiều hơn các loại đất phi nông nghiệp khác, người trồng lúa cũng đông hơn, nhưng thu nhập của họ chỉ chiếm 10% trên tổng số thu nhập của toàn TP. Nghĩa là 60-70% người dân sống bằng nghề trồng lúa, nhưng thu nhập của họ chỉ chiếm con số rất thấp.

Hiện nay, 1 công lúa (1.000m2) nếu đạt năng suất tối đa cũng chỉ 50 giạ (bình quân từ 20-22kg/giạ). Nếu 1 năm làm 2 vụ lúa thì đạt năng suất 100 giạ - khoảng 2 tấn.

Tại kỳ họp này, HĐND TP xem xét thông qua 44 báo cáo do Thường trực HĐND, UBND TP trình tại kỳ họp.

Bên cạnh đó là nghe Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền; thảo luận các tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND trình HĐND TP về những vấn đề cần thiết, bức xúc trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Bình quân 1kg lúa có giá 5.000 đồng, sau khi trừ các chi phí, mỗi kg lúa người nông dân chỉ lời được 1.500 đồng. Tính ra mỗi ha (10 công) nông dân chỉ lời được 15 triệu đồng.

Mức thu nhập này bấp bênh, và sẽ gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống nông dân mỗi khi có sự cố như đau yếu bệnh hoạn.

“Không cần thống kê so sánh cũng có thể thấy, những thiệt hại của đô thị nặng hơn nhiều so với vài ha lúa muộn (lúa vụ 3) mà chúng ta cần phải bảo vệ.

Tính sơ bộ, thời điểm gặt lúa muộn thì diện tích chỉ còn khoảng 5.000-7.000 ha, nhưng mà hư hại các đường phố, các kho tàng, bến bãi, sự giao thương dịch vụ thương mại bị đứt gãy có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hiểu nói.

Và ông nhấn mạnh: “Trong tình thế cấp thiết, chúng ta hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn, nhưng hiện nay thì ngược lại”.

Đó là chưa kể tình trạng thừa lao động ở nông thôn. Trước đây khi những ngành nghề kinh tế chưa phát triển, có thể 1 gia đình 10 người cùng nhau làm 7-8 công đất. Bây giờ 1 người có thể làm cả trăm công nếu có sự hỗ trợ tốt từ máy móc, công nghệ.

Những lúc nông nhàn, nếu không có chính sách giải quyết việc làm cho số lao động còn lại sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Bên cạnh đó, diện tích canh tác nông nghiệp hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ vài công đất càng khiến cho thu nhập từ trồng lúa thêm bấp bênh.

Do đó, trong định hướng phát triển kinh tế của TP cần nhìn nhận lại vấn đề này.

Dự kiến trong chiều nay (8/12), kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ sẽ tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn…

Trước đó, trong đợt triều cường hồi tháng 9 âm lịch; qua thống kê, Cần Thơ có hàng trăm tuyến đường bị ngập. Trong đó, có nhiều tuyến đường ngập sâu từ 0,45-0,7m, như: một số đoạn trên đường Mậu Thân, đoạn tại trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh, đoạn từ cầu Cồn Khương đến giao với đường Cách Mạng Tháng Tám.

Cụ thể, ngập tại quận Ninh Kiều là 83 tuyến đường, quận Cái Răng 46 tuyến đường, quận Bình Thủy 20 tuyến đường, quận Ô Môn 16 tuyến đường, quận Thốt Nốt 56 tuyến đường và huyện Phong Điền 71 tuyến đường. Các huyện còn lại gồm: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh không bị ảnh hưởng triều cường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.