Ngày 1/3, UBND TP Cần Thơ cho biết, cơ quan này vừa có báo gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA đối với dự án Phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
QL61C đoạn qua địa phận TP Cần Thơ.
Dự án có 2 hợp phần chính gồm: hợp phần 1: Nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (QL61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ); hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ).
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.728 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn nước ngoài hơn 1.868 tỷ đồng (100% vốn xây lắp) bao gồm ngân sách Trung ương cấp phát hơn 1.681 tỷ đồng (90%) và địa phương vay lại hơn 186 tỷ đồng (10%); vốn trong nước hơn 860 tỷ đồng.
Trong đó, hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (QL61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ) dài 10,2 km, vốn hơn 889 tỷ đồng.
Hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) dài 27,3 km, vốn hơn 1.839 tỷ đồng.
Về dự kiến tiến độ giải ngân, năm 2022 bố trí 720 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế, giải phóng mặt bằng…
Năm 2023, bố trí 1.020 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Năm 2024 bố trí 800 tỷ đồng để thi công xây dựng và năm 2025 bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình.
Theo UBND TP. Cần Thơ, kết quả tổng hợp cho thấy chi phí phương tiện phần nhiều bị ảnh hưởng bởi vận tốc xe di chuyển trên tuyến đường.
Chi phí khai thác sẽ giảm đi khi vận tốc tăng và khi đạt khoảng vận tốc từ 30-50 km/h thì đạt được mức vận tốc kinh tế, ở mức vận tốc kinh tế thì chi phí đạt mức thấp nhất và nếu vận tốc cao hơn thì chi phí sẽ lại tăng.
Do đó, khi dự án đi vào khai thác sẽ làm tăng tốc độ xe chạy, giảm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa, hành khách.
Quỹ thời gian tiết kiệm được sẽ được dùng để sản xuất góp phần làm tăng thêm thu nhập của các hộ gia đình và các sản phẩm kinh tế cho xã hội. Đó chính là lợi ích của dự án do tiết kiệm thời gian vận chuyển.
Ngoài ra, khi dự án được thực hiện, giao thông sẽ thuận tiện hơn, tốc độ xe tăng, tránh ùn tắc, giảm thời gian đi lại cho hành khách và lưu thông hàng hóa.
Đồng thời tiết kiệm thời gian khi có dự án cho mỗi hành trình xe. Thời gian tiết kiệm của xe và hành khách có thể lượng hóa được và đây là một lợi ích lớn mà dự án đem lại.
Đặc biệt, tuyến đường hoàn thành sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị, dân cư hiện tại, đặc biệt là sẽ tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa TP. Cần Thơ với TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận