Y tế

Cần Thơ dồn lực khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

26/10/2022, 16:17

Ngay cả khi đã gỡ khó được trong công tác đấu thầu thì vẫn còn mối lo khác – đó là tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.

Trước đó, đại diện nhiều cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP Cần Thơ thừa nhận, nhiều bệnh viện có thể phải ngưng hoạt động từ tháng 11/2022 do cạn kiệt thuốc và vật tư y tế.

Ngay cả cục bông gòn, cồn, bàn chải phẫu thuật, ống thuốc mổ cho bệnh nhân cũng không mua được…

Đã gỡ khó được đấu thầu

Ngày 26/10, BS Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ, cho biết: "Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP Cần Thơ, đến nay, các cơ quan đơn vị đã tích cực vào cuộc; qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong gói thầu mua sắm thiết bị y tế cho TP".

img

Trụ sở bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ.

Theo Sở Y tế Cần Thơ, hiện nay danh mục đấu thầu thuốc ở Việt Nam có 3 danh mục. Thứ nhất là danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu.

Kế đó là danh mục thuốc, vật tư tập trung, cấp địa phương sẽ do Sở Y tế đấu thầu. Và danh mục còn lại sẽ do các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu.

Hiện tại danh mục thuốc tập trung, cấp địa phương đã được Sở Y tế tổ chức đấu thầu xong. Đối với danh mục thuộc các bệnh viện, hiện đã có hơn 10 đơn vị tổ chức đấu. Tuy nhiên, hiện nay, tại các bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất.

Và ông cho biết thêm: “Trước đây, có tâm lý e ngại về các mặt thủ tục, rồi phải chờ đợi duyệt gói thấu mất rất nhiều thời gian. Nhưng sau đó, trải qua nhiều cuộc họp, Thường trực UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành phải chung tay vào cuộc cùng ngành y tế tháo gỡ khó khăn.

Đến nay công tác đấu thầu đang được triển khai tốt, và UBND TP cũng đã có phương án duyệt mua sắm trực tiếp đối với các gói thầu trang thiết bị y tế cho ngành y tế TP”, BS Việt nói.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ xác nhận, thời gian qua, trên địa bàn TP có hiện tượng cung ứng không đầy đủ một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế do nhiều nguyên nhân.

Như từ khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, lượng bệnh nhân từ các nơi đổ về Cần Thơ khám chữa bệnh tăng đột biến làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ, mua sắm thuốc của đơn vị.

Ngoài ra, do tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không thực hiện đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện.

Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công. Mặt khác, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp nên đơn vị công rất khó trúng thầu.

Một số giấy đăng ký thuốc cũng hết hạn, việc đấu thầu tập trung quốc gia chậm có kết quả và có kết quả không đầy đủ theo danh mục…

Còn theo lãnh đạo một bệnh viện tại Cần Thơ: "Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ trong đấu thầu là do tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra khiến các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm.

Sở Y tế TP Cần Thơ đã giao cho các đơn vị tự mua sắm, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng các đơn vị còn e ngại. Đồng thời còn do các nhà cung cấp ngại cung cấp do giá cả và thủ tục phức tạp".

img

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra ở Cần Thơ.

Hết cách, bệnh viện chỉ biết yêu cầu bệnh nhân bảo hiểm y tế tự mua thuốc, vật tư tiêu hao khi đến khám, điều trị.

Một số vật tư quá thiếu, trường hợp cấp bách, lãnh đạo bệnh viện duyệt mua sắm nhỏ (dưới 50 triệu) để sử dụng tạm".

Nỗi lo về nguồn cung ứng

Theo ghi nhận của PV, ngay cả khi đã gỡ khó được trong công tác đấu thầu thì ngành y tế vẫn còn mối lo khác. Đó là tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.

Trên thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là câu chuyện chung, với nguyên nhân chủ yếu do tác động dịch bệnh Covid-19, toàn bộ thế giới đều bị ảnh hưởng, cắt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế toàn cầu, cũng đã ảnh hưởng tới tình trạng cung ứng thuốc vào Việt Nam.

img

Hoạt động tại một khu điều trị bệnh ở Cần Thơ.

Thứ hai, sau khi trải qua dịch bệnh Covid-19, người dân đã có sự chuyển biến về tâm lý, họ rất quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, dẫn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tăng đột biến. Trong khi việc cung ứng thuốc của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm.

Khi xây dựng giá kế hoạch để đấu thầu, các bệnh viện sẽ dựa trên giá trúng thầu năm trước. Trong khi các doanh nghiệp cung cấp cho rằng, năm nay giá thuốc đã tăng lên, nên nếu xây dựng giá bằng với năm trước thì họ không tham gia dự thầu.

Bên cạnh đó, cũng trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các công ty dược đã không nhập khẩu thuốc. Sau khi dịch bệnh được khống chế, họ mới nhập về.

Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, quá trình sản xuất sau dịch chưa được phục hồi trọn vẹn… Tất cả đã dẫn đến nguyên nhân gây thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện.

“Nếu chúng ta cần 10 mặt hàng, nhưng đơn vị cung ứng chỉ đáp ứng được 6 thì cũng đành chịu”, lãnh đạo một bệnh viện cho hay.

Để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính và Sở KH-ĐT nghiên cứu, sàng lọc những trường hợp có thể giải quyết trong phạm vi quyền hạn của TP về mua sắm trực tiếp các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Ngoài thuốc biệt dược, độc quyền, không thể xin được 3 bảng báo giá theo quy định, còn lại đối với trang thiết bị nào là vật tư y tế mà không phải tài sản công thì trình UBND TP để lãnh đạo TP duyệt trong thời gian nhanh nhất có thể…

Ông Hiện cũng cho biết, Cần Thơ sẽ phối hợp với ngành y tế nghiên cứu, trình Chính phủ điều chỉnh những bất cập trong Luật Đấu thầu về y tế.

Ngoài ra, TP đã và sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính và tham mưu Chính phủ xem xét lại việc quy định các bệnh viện công phải đóng thuế theo hình thức thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đã chỉ đạo: tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Từ 2020 đến 2022, hai ngành Giáo dục và Đào tạo và Y tế TP. Cần Thơ có số lượng viên chức xin nghỉ việc lên tới gần 1.000 người với nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng đối với ngành y tế, 9 tháng qua có 206 viên chức y tế xin thôi việc.

Ông Lê Hùng Yên - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết, viên chức xin nghỉ việc có nhiều lý do như: Xuất phát từ cá nhân, gia đình, không đáp ứng được vị trí việc làm… nhưng nguyên nhân chung là chế độ tiền lương, thu nhập chênh lệch giữa trong và ngoài cơ quan Nhà nước.

Về hướng để giải quyết, trước mắt, hai sở này sắp xếp, bố trí lại vị trí việc làm. Đối với cán bộ, nhân viên của Sở Y tế đang thiếu, UBND TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Sở Y tế, chủ động rà soát, đánh giá, có kế hoạch cụ thể và phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND TP có hướng giải quyết phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.