Giá tăng chóng mặt
Anh Phạm Kim Tuyến (người dân xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, làm nghề môi giới bất động sản) cho biết: "Giai Xuân là một xã còn hẻo lánh, trước đây, đất nông nghiệp có giá chỉ 300.000-400.000 đồng/m2, nếu đường đi xấu thì chỉ 200.000 đồng/m2". Nhưng những ngày qua, tại khu vực xã Giai Xuân đã rộ lên cơn sốt đất.
Giá đất nông nghiệp ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền đang tăng cao.
Bởi gần đây, có thông tin các dự án giao thông lớn chuẩn bị triển khai sẽ đi qua địa bàn xã, gồm: Tuyến đường vành đai phía Tây; Dự án Xây dựng và Nâng cấp mở rộng ĐT917; dự án ĐT918 - xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1, và giai đoạn 2. Tất cả các dự án này đều đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt.
Ông Phan Ngọc Sáu, cũng ở ấp Bình Xuân, cho biết: “Trước đây tui có bán mấy công với giá chỉ 500.000 đồng/m2, giờ thấy giá tăng 3 lần mà đứt ruột. Người đến đây mua đất chủ yếu ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, và các tỉnh lân cận. Họ mua xong rồi để đó, vẫn trồng vườn… và nhờ người dân ở đây coi đất hộ”.
Ngay sau đó, giá đất đã tăng lên chóng mặt, hiện giá đất nông nghiệp giáp thủy lợi (chỉ có đường đi bộ, không cần biết có trúng lộ hay không) dao động từ 1.000.000-1.500.000 đồng/m2. Còn đất giáp lộ ô tô, có giá tới 2.500.000-2.700.000 đồng/m2, nhưng vẫn không có đất để bán.
Hiện tại, các khu đất mặt tiền TL918 hiện hữu, nếu càng gần các tuyến đường mới dự định cắt qua thì càng có giá cao. Một cò đất cho biết, vừa giao dịch thành công khoảng 500m2 đất nông nghiệp mặt tiền TL918 với giá 1,8 tỷ đồng... "Nếu khu đất nào gần chợ, trường học... và có một phần diện tích đã đăng ký lên thổ cư thì càng có giá và có khả năng sinh lợi rất cao", anh này nói.
Ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Mỹ), người dân địa phương cho biết: Dạo trước, có người hàng xóm giới thiệu cho một người ở xứ khác đến nhà ông hỏi mua đất. Lúc đó, ông thấy giá cao, lên tới 1.500.000 đồng/m2, nên đã bán 7,5 công (7.500m2). Theo ông Bảy, mức giá này cao rất nhiều so với mặt bằng của xã nông thôn Giai Xuân. Còn đất của ông dự kiến sẽ trúng vào dự án ĐT917.
Vùng quên xã Giai Xuân được nhiều người đến tìm mua đất để đón đầu các dự án.
Ông Phan Văn Quý (70 tuổi, ấp Bình Xuân, xã Giai Xuân) cho hay, gia đình ông có hơn 10 công đất tầm lớn (1.300m2/công). Qua tìm hiểu, ông được biết, dự án ĐT918 sẽ đi qua đất của ông. Mấy ngày qua, ngày nào cũng có tới vài chục người đến đây hỏi mua đất. "Dù giá rất cao, nhưng tui thấy chưa cần thiết nên không bán", ông nói.
Chính quyền khuyến cáo: “Lợi trước mắt, hại lâu dài”
Theo ghi nhận của PV, đợt dịch Covid-19 đã khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Gặp thêm giá đất tăng rất cao, nên khi có người đến hỏi mua, rất nhiều người đã bán. Phần lớn đều mua đất "đón đầu" dự án, bởi các khu đất đều nằm phía sau mặt tiền rất xa, thậm chí không có đường vào.
Đất nông nghiệp ở Giai Xuân được "giới đầu tư" săn đón.
“Cò” đất Phạm Kim Tuyến cho biết thêm: "Nếu trước đây mỗi ngày giỏi lắm bán được 1-2 công đất, thì mấy ngày qua có hôm bán được tới 30 công đất là chuyện thường.
Nhiều người cho rằng, để "ăn chắc" thì vẫn nên mua các khu đất lân cận các dự án, nằm ở vị trí đã thông thương sẵn chứ đừng nên mua đón đầu. "Theo tôi, mua đất mặt tiền TL918 hiện nay - gần các khu vực sẽ triển khai dự án là "ăn chắc" nhất", 1 cò đất tâm sự.
“Nhà đầu tư” biết sắp có dự án nên tìm mua, phần là để xây nhà ở về sau phần là để kinh doanh kiếm lãi. Họ có vốn, vô đây mua đón đầu dự án trước.
Họ dặn rất kỹ là hễ có đất ở đâu cứ giới thiệu họ sẽ đến mua. Theo quan sát và kinh nghiệm của tui, nếu 10 phần thì có đến 7 phần người dân bán đất”, anh Tuyến nói.
Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết, hiện nay, người chuyển nhượng đất đều ra phòng công chứng, nên xã chưa thống kê được số trường hợp mua bán đất. Thời gian gần đây giá đất có đội lên cao so với giá thị trường. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý rằng, các dự án giao thông nêu trên đều chưa triển khai, vẫn còn “nằm trên giấy”, cũng chưa tổ chức họp dân, nên mua đất "đón đầu" khá phiêu lưu.
Giá đất tăng cao, nên nhiều người dân ở Giai Xuân đã bán đất.
"Khi nào công bố quy hoạch ra dân, tổ chức đo đạc mới cụ thể dự án sẽ đi hướng nào, ảnh hưởng đất của ai. Xã khuyến cáo người dân tập trung lo làm kinh tế để phát triển cuộc sống, đừng chạy theo lợi nhuận thị trường mà bán đất thiếu cân nhắc. Có thể ngay lúc này, người dân sẽ có được số tiền rất lớn từ việc bán đất, nhưng về sau sẽ gặp khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cũng như định cư; vì hầu hết bà con ở đây đều làm nông nghiệp từ nhiều năm qua", ông nói.
Theo ông Giúp, về quy hoạch đất nông nghiệp, xã phân theo vùng, riêng đối với các tuyến kênh rạch có hộ dân sinh sống; từ lộ giao thông nông thôn trở vô 50m thì được tạo điều kiện cho lên thổ cư theo đúng quy định. “Nếu người dân không bán đất, và sau này, các dự án nói trên triển khai qua địa phương, thì lúc đó, đất đai, nhà cửa của họ sẽ có giá trị rất lớn. Do đó, xã tuyên truyền và vận động người dân hạn chế bán đất đến mức thấp nhất”.
Hiện tại, Cần Thơ đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Đầu tiên là Dự án tuyến đường vành đai phía Tây, đã được Sở GTVT hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, và đang được Bộ Xây dựng thẩm định. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố (nối QL91 đến QL61C), có điểm đầu giao QL91 (sau cầu Ô Môn), điểm cuối giao QL61C tại Km 1+400. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4km. Tổng mức đầu tư dự kiến 3.837 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện dự án: Năm 2021 - 2026.
Tiếp đến là Dự án Xây dựng và Nâng cấp mở rộng ĐT917 có tổng vốn đầu tư hơn 996 tỷ đồng; Dự án ĐT918 - xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng; và dự án ĐT918 giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng. Theo thông tin ban đầu, các dự án này đều đi qua địa bàn xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận