Ngày 30/5, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án Đường vành đai phía Tây xác nhận với PV Báo Giao thông về thông tin tổng mức đầu tư của dự án có thể sẽ thay đổi.
Đến thời điểm này, chủ đầu tư chỉ mới có báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo lộ trình, việc điều chỉnh vốn cần được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, sau đó trình Bộ Xây dựng thẩm định và cuối cùng là UBND thành phố phê duyệt.
Dù vậy, lãnh đạo Sở cũng cho rằng với việc Chính phủ có chủ trương đưa cát biển vào sử dụng trong một số công trình giao thông có thể sẽ còn ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án do nguồn cát biển sẽ giảm chi phí.
Đường Vành đai phía Tây theo Nghị quyết 38/NQ-HĐND có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, nay được chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng thêm 2.899 tỷ đồng.
Nguyên nhân đội vốn, theo chủ đầu tư, dự án có đơn giá thu hồi đất áp dụng theo Quyết định 19/2019/QĐ-UBND và thực tế triển khai có sự chênh lệch rất lớn. Thậm chí có khu vực giá đất tăng đến 75 lần. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dự án đội vốn.
Ngoài ra, quá trình triển khai, dự án phát sinh thêm hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật với chi phí gần 110 tỷ đồng.
Việc thay đổi một số hạng mục công trình như khối lượng cầu cống từ 20 lên 25 vị trí cũng góp phần khiến dự án đội vốn.
Việc các vật liệu chính của công trình tăng giá so với thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (12/2020) cũng là một trong những nguyên nhân chính.
Các chi phí khác cũng tăng như: tư vấn đầu tư xây dựng tăng từ 50 lên gần 120 tỷ đồng; chi phí khác từ 27 lên gần 90 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng từ 445 lên 584 tỷ đồng.
Bổ sung chi phí đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường tỉnh 923 thêm 581 tỷ đồng...
Dự án đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) ở Cần Thơ khởi công ngày 17/11/2022. Trong tổng vốn đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.837 tỷ đồng); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026.
Theo thiết kế, Vành đai phía Tây có điểm đầu nối quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào quốc lộ 61C.
Toàn tuyến dài 19,3km, mặt cắt ngang đầu tư hai đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/h... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận