Nhiều tuyến đường nông thôn cần sửa chữa
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên tuyến đường giao thông nông thôn sát rạch Chuối, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ xuất hiện nhiều đoạn sụt lún, ổ gà chằng chịt. Bên cạnh con rạch, nhiều đoạn đường bị sạt lở nặng.
Tuyến đường nông thôn ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền bị sạt lở một bên.
Ông Nguyễn Út Đủ, sống ở khu vực này cho biết, đường giao thông nông thôn hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn hai năm nay những nhiều đoạn đã có dấu hiệu xuống cấp.
“Xe lớn chạy nhiều quá nên mặt đường mau hư, lộ cả đá dăm. Xã cũng sửa chữa nhiều, nhưng chỉ là tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp khác”, ông Đủ nói.
Ông cũng cho biết thêm, trên địa bàn xã nhiều đoạn đường nông thôn còn xuống cấp trầm trọng hơn, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, một tuyến đường nông thôn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai có nhiều đoạn bị bong tróc mặt đường, lâu ngày tạo ra những ổ gà và ngày mỗi rộng ra, đến nỗi người dân phải chạy xe sang hai bên lề. Có những cây cầu hư hỏng nặng, phải dùng vỉ sắt lắp thay cho mặt cầu bằng bê tông.
Việc đi lại trên những tuyến đường này không chỉ là khó khăn mà nhiều đoạn còn nguy hiểm.
Một cây cầu trên đường nông thôn ở huyện Thới Lai hư hỏng nặng, phải dùng vỉ sắt thay thế để người dân lưu thông.
Ở các huyện còn lại như: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và các quận Cái Răng, Bình Thủy, mạng lưới đường nông thôn vẫn có vai trò quan trọng trong việc đi lại và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhưng hiện trạng nhiều tuyến đường nông thôn xuống cấp vẫn là đang là bài toán khó giải của các địa phương này mà mấu chốt là thiếu kinh phí.
Lãnh đạo Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Phong Điền cho biết: Toàn huyện có 77 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 207km. Hiện, huyện đã nâng cấp 38 tuyến (dài trên 10km) bằng cách mở rộng từ 3,5 - 4m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con ngày mỗi lớn.
“Trong số này còn nhiều tuyến mặt đường chỉ rộng 2m, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân”, lãnh đạo Phòng kinh tế và hạ tầng huyện cho biết thêm.
Trong khi đó, để hoàn thành những tuyến đường này đã khó, công tác duy tu, sửa chữa cũng không hề dễ dàng. Trong 77 tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Phong Điền có 25 tuyến, dài 35km được thực hiện với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cụ thể là Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân hùn cát, đá và ngày công lao động.
Kinh phí hằng năm chưa đủ đáp ứng
“Nhu cầu đi lại của bà con rất lớn, nhưng kinh phí làm đường không phải lúc nào cũng sẵn có, do đó địa phương phải cân nhắc, tính toán mới đề xuất làm đường.
Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm là một cách rất hiệu quả để có thêm đường nông thôn, nhưng cũng là gánh nặng cho việc duy tu sửa chữa về sau”, một cán bộ Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Thới Lai thông tin.
Một tuyến đường nông thôn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai với mặt đường bong tróc.
Với kinh phí hàng năm thành phố cấp cho mỗi địa phương trên dưới 10 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa đường nông thôn, theo nhiều địa phương con số này là chưa đủ.
Ông Lê Thành Lâm, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thới Lai cho biết: Toàn huyện có hơn 220km đường nông thôn. “Với số tiền 10 tỷ đồng, chúng tôi ưu tiên ở những tuyến đường quan trọng, đường nhựa, còn lại mới phân bổ đi các nơi.
Ngoài ra chúng tôi cũng vận động người dân, các nguồn vốn xã hội hóa khác để sửa chữa đường nhưng cơ bản vẫn chưa đủ”, ông Lâm cho biết.
Lãnh đạo Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, huyện cần thêm khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm mới đủ để sửa chữa hết các tuyến đường nông thôn xuống cấp ở huyện.
“Ngoài nguồn kinh phí của thành phố cấp xuống, huyện còn cấp riêng cho mỗi xã, thị trấn 50 triệu đồng mỗi năm để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường.
Nhưng những nguồn kinh phí này vẫn còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu cho mạng lưới giao thông nông thôn của huyện”, lãnh đạo này cho biết.
Liên tiếp những đoạn sạt lở trên đường nông thôn ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, mức kinh phí trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm để duy tu, sửa chữa đã được triển khai mấy năm qua.
Thực tế con số này không đủ. Như trường hợp của huyện Phong Điền, hằng năm tiếp nhận thêm một số tuyến đường dù không phải là đường giao thông nông thôn nhưng huyện cũng phải có trách nhiệm duy tu, sửa chữa hoặc mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang.
“Huyện phải tính toán để cân đối nguồn kinh phí này, chúng tôi phải ưu tiên những tuyến đường cần sửa chữa trước. Cũng rất khó để vận động những nguồn kinh phí xã hội hóa để sửa chữa đường vì đây là vấn đề tự nguyện của người dân”, ông Nghĩa nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận