Ngày 20/10, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Cần Thơ khai mạc Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Nghị quyết Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Cần Thơ sẽ xây dựng năm trục động lực kinh tế - ba vùng phát triển.
Hai trục ngang, ba trục dọc làm động lực
Về năm trục động lực kinh tế sẽ gồm hai trục ngang và ba trục dọc. Hai trục ngang bao gồm các khu vực phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng. Trong đó phía đông chủ yếu phát triển về công nghiệp, phía tây phát triển du lịch sinh thái, đô thị.
Trục ngang còn lại là tuyến hành lang kinh tế hiện hữu phía tây sông Hậu (trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường 920D).
Ba trục dọc bao gồm: Dọc theo tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng thiên về phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp.
Tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Cần Thơ sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thuỷ nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các đường thuỷ nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thuỷ trên địa bàn các quận, huyện.
Xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hoá lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Đội - Ô Môn; xây dựng các cảng thuỷ nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác.
Về đường sắt, định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía tây thành phố, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Sông Hậu…
Phát triển tuyến xe điện trên mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép. Xây dựng khu TOD (Transit Oriented Development - phát triển theo định hướng giao thông) và logistics đường sắt gắn với nhà ga Cần Thơ của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Ba vùng phát triển
Đối với ba vùng phát triển, vùng thứ nhất gồm quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thuỷ, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị.
Tập trung phát triển mật độ cao, nhất là bên trong lộ Vòng Cung (tỉnh lộ 923), tạo thành một đô thị trung tâm cấp vùng đa năng, sầm uất, với những công năng dịch vụ như y tế, giáo dục đào tạo, thương mại, văn hoá thể thao nghệ thuật, năng lượng, logistics…
Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và sự tích hợp của các công năng. Vùng này sẽ là khu vực chính để Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực phát triển của ĐBSCL.
Vùng thứ hai gồm: phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía bắc.
Các tiểu vùng trong vùng này có những quan hệ chủ yếu với các tỉnh khác qua cấu trúc liên kết vùng, với những kết nối cao tốc, đường thuỷ, với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng thương mại, dịch vụ, logistics.
Vùng thứ ba gồm: một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng phía tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sẽ là vùng bổ sung những hình thức sinh kế mới như chuyển đổi từ lúa sang cây trồng, vật nuôi phù hợp giá trị kinh tế, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại, để tăng thêm nguồn sinh kế cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận