Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt nội tỉnh trên địa bàn TP Cần Thơ đã có từ năm 1999 do Công ty công trình đô thị, một doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện. Đến năm 2014 chuyển giao lại cho Ban quản lý và điều hành VTHKCC trực thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ quản lý và khai thác.
Chất lượng phục vụ hệ thống xe buýt TP Cần Thơ ngày càng được nâng cao.
Trong những năm vừa qua, phương tiện cá nhân trên địa bàn TP gia tăng trên 2 con số, ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp tại các nút giao và các tuyến đường trọng điểm, TNGT có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, VTHKCC bằng xe buýt được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, sản lượng vận chuyển hành khách thực tế hàng năm chỉ đáp ứng 1%.
Còn theo Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP Cần Thơ, mạng lưới xe buýt nội tỉnh phục vụ VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2020 có 4 tuyến với số lượng 41 xe hoạt động từ 12 - 16 chuyến/ngày, tần suất từ 45 - 50 phút/xe (giờ cao điểm 60 phút/xe).
Tuy nhiên, do xe buýt cũ kỹ, xuống cấp, không có máy lạnh không duy trì đều đặn tần suất chạy xe, không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng dịch vụ nên chưa đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, toàn thành phố có 48 nhà chờ và 493 điểm dừng nhìn chung đa phần chưa đảm bảo tiêu chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng và hư hỏng nặng. Bến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn TP chưa được đầu tư xây dựng,…
Từ ngày 20/9/2020, Sở GTVT TP Cần Thơ giao Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC phối hợp với Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đã đưa vào khai thác tuyến 7 tuyến xe buýt nội tỉnh đã tạo sự khởi sắc về chất lượng phục vụ đối với loại hình vận tải này.
Các tuyến xe buýt hoạt động với 36 xe buýt 40 chỗ đời mới, sản xuất năm 2020 và đạt chất lượng khí thải Euro 4, và 6 xe buýt loại B24 (GAZ của Nga), sản xuất năm 2021. Sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống xe buýt mới chất lượng cao, tiện nghi, đã được nhân dân trên TP Cần Thơ hưởng ứng, ủng hộ và làm thay đổi quan điểm của người dân về hình ảnh xe buýt hiện đại, an toàn.
Theo thống kê, khi sử dụng phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại mang lại các lợi ích tích cực như tiết kiệm chi phí đầu tư của xã hội, cộng đồng; giảm ô nhiễm không khí; tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu; hạn chế ùn tắc giao thông; tăng tính di động, đi lại nhiều hơn; tiết kiệm chi phí,…
Số liệu thống kê, từ ngày 20/9/2020 đến nay đã thực hiện vận chuyển được hơn 51.600 chuyến, với gần 644.000 hành khách đạt doanh thu hơn 6,7 tỷ.
Để duy trì ổn định và phát triển hoạt động xe buýt trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý Điều hành VTHKCC TP Cần Thơ cho hay, TP sẽ đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu cuối xe buýt Ba Láng, Cái Cui, Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam Cờ Đỏ, Đông Thới Lai, Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, Kinh B, sân bay và xây dựng 501 điểm dừng, nhà chờ xe buýt hiện đại.
Đồng thời, mở mới 5-10 tuyến xe buýt, trong đó ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các quận, huyện tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách chuyển tiếp đến trung tâm TP.
Như vậy, sau thời gian đi vào hoạt động mặc dù chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao nhưng có thể thấy hoạt động khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn TP Cần Thơ đang tăng trưởng rất tốt, mang lại lợi ích cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận