Thời gian qua, vận chuyển hành khách bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đã có sự thay đổi lớn, không chỉ mở rộng về mạng lưới mà còn thu hút được nhiều thành phần người dân hướng đến.
Cần Thơ dự kiến sẽ mở thêm 10 tuyến xe buýt nội ngoại thành trong thời gian tới. Ảnh Lê An
Thay đổi quan niệm
Sau 2 năm đưa vào vận hành, khai thác 7 tuyến nội thành với loại hình xe buýt chất lượng cao, đến nay đã được hành khách đón nhận tích cực.
“Trước đây, bảo tôi đi xe buýt, tôi xin từ chối vì mỗi lần lên xe là phải chịu cảnh chen lấn, nóng bức. Nay, dù có phần mất thời gian hơn đi xe máy nhưng tôi vẫn thấy thích hơn vì được ngồi trên xe mát mẻ, không hít bụi đường”, chị Dương Ngọc Nhi (ngụ quận Ninh Kiều) chia sẻ.
Ngoài việc đầu tư hệ thống xe buýt hiện đại, tiện nghi, trang bị wifi, máy lạnh, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ (Trung tâm) và Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines còn áp dụng giá vé rẻ.
Đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, đơn vị vận tải áp dụng giá vé ưu đãi đồng giá 5.000 đồng cho tất cả các chặng và suốt tuyến. Ngoài ra, đơn vị khai thác còn tuyên truyền thông tin về các tuyến xe buýt đến với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị, xu hướng tham gia giao thông từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng xe buýt vào mục đích đi làm, đi công việc...
Qua đó, dịch vụ xe buýt ngày càng thu hút được đông đảo các bộ phận người dân tham gia.
“So với 5 năm trước, giá vé cũng không thay đổi bao nhiêu, nhưng chất lượng thơn hẳn, xe máy lạnh mát mẻ, chạy êm. Tài xế cho xe vào đỗ êm thuận mới để hành khách lên xuống, nói chung là rất an toàn.
Tôi bắt đầu sử dụng loại phương tiện này để đi lại. Tuy nhiên, một số bến đỗ hiện chưa được xây dựng nhà chờ hoặc có nhà nhưng không có chỗ ngồi gây bất tiện cho hành khách đến sớm", bà Huỳnh Thị Sương (ngụ huyện Phong Điền) chia sẻ.
Xây dựng xe buýt văn minh, hiện đại
Tính đến nay, TP Cần Thơ đã có được 7 tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn với tổng chiều dài mạng lưới tuyến hơn 254km. Lượng khách sử dụng loại hình phương tiện này ngày càng nhiều, mạng lưới hầu như phủ khắp các quận, huyện phục vụ, kết nối hành khách các khu vực đến trung tâm TP. Đồng thời, kết nối với các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề tạo mạng lưới giao thông công cộng thông suốt.
Ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, Sở đang đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xe buýt. Cụ thể, đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu cuối xe buýt gồm Ba Láng, Cái Cui, Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam huyện Cờ Đỏ, Đông huyện Thới Lai, Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, Kinh B và Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Đồng thời, xây dựng 501 điểm dừng, nhà chờ xe buýt hiện đại. Trong đó, có 70 nhà chờ trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành Giao thông thông minh, trong đó có hệ thống quản lý xe buýt thông minh
“Hằng năm, TP cũng bố trí kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xe buýt đảm bảo cung cấp hạ tầng kịp thời cho việc khai thác các tuyến xe buýt”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin.
Chia sẻ thêm về phương hướng giai đoạn 2022-2025, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ cho hay sẽ tham mưu, đề xuất Sở GTVT trình UBND TP phê duyệt “Xây dựng và công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn TP Cần Thơ”. Theo đó, sẽ mở mới 6 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến xe buýt lân cận liền kề.
Trong đó, ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các quận, huyện, phường, xã, thị trấn... tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách chuyển tiếp đến trung tâm TP. Như vậy, xe buýt cơ bản đã phủ kín mạng lưới tuyến kết nối tất cả các nội ô và các tỉnh liền kề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận