Ảnh minh họa |
Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ.
Theo đó, về huy động vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, TP được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức huy động theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại.
Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách TP để tham gia thực hiện các dự án mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của TP và các dự án mang tính chất cấp vùng của vùng ĐBSCL.
Chính Phủ ưu tiên hỗ trợ vốn ODA cho TP để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP do UBND TP là cơ quan chủ quản.
Chính phủ ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên đại bàn TP.
UBND TP được phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ (ODA, phi Chính phủ nước ngoài) không hoàn lại đối với các chương trình, dự án không phụ thuộc vào quy mô viện trợ, trừ các khoản viện trợ hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thể chế, tôn giáo, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về cơ chế đặc thù về ngân sách, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định của Luật ngân sách tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực ĐBSCL.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới. Theo đó, ủy quyền cho UBND TP quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô từ 100ha đến dưới 200ha phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng phải thống nhất ý kiến với Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt quyết định chấp thuận đầu tư.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018.
Nghị định kèm theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư thực hiện theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó 4 dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư vào giai đoạn sau năm 2020 gồm: Đường cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ- Châu Đốc; Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Mỹ Tho- Cần Thơ; Đường vào khu công nghiệp phía Nam và cảng cái Cui (giai đoạn II đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui; Nâng cấp mở rộng QL91 đoạn từ Km0-Km7.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận