Chờ mặt bằng từ Tết
"Do có một hộ dân chưa di dời, nên chưa triển khai làm cầu tạm để thi công cầu mới. Đường ống dẫn nước cạnh đường cũng chưa thể thi công, ảnh hưởng cả tiến độ thi công đường 918 giai đoạn 1 ở Cần Thơ.
Còn cầu Cả Lang, do không thể thi công, nên phải để máy móc và 10 nhân công chờ từ tết Nguyên đán đến nay", anh Nguyễn Văn Đồng, đại diện Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 (nhà thầu phụ của Công ty 918, Hà Nội) - thi công cầu Cả Lang trên tỉnh lộ 918 (thuộc xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) than thở.
Đó là hộ dân kinh doanh tạp hóa, nhà nằm ven tỉnh lộ 918. Theo quan sát của PV, đường ống dẫn nước mới, ven tỉnh lộ 918 thi công đến sát căn nhà này phải tạm dừng, bỏ dở dang do bị phần nhà chưa di dời cản trở. Sáng 18/7, chủ nhà vẫn mở cửa kinh doanh mua bán bình thường…
Bên kia sông, mặt bằng thi công cầu đã thông thoáng. Nhà thầu đã cho tập kết một số xe cuốc, thanh dầm, đá…
Theo chủ nhà, do còn phần đất thổ cư phía sau, nên đang cho thi công xây dựng lại. Khi nào xong, dọn lùi ra, hộ này sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 7 này.
Sáng 18/7, ông Huỳnh Việt Cường, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cũng xác nhận thông tin này. "Chủ nhà cũng đã nhận tiền bồi hoàn, không khiếu nại giá đền bù...", ông nói.
Phía nhà thầu thi công cho biết, ngay sau khi hộ này bàn giao mặt bằng, đơn vị sẽ triển khai thi công ngay. Theo nhận định, có thể hộ này chậm giao mặt bằng lâu nay do cố tận dụng nơi bán hàng được ngày nào hay ngày ấy…
Gói thầu của chúng tôi có hai cây cầu, đã thi công xong cầu Giữa. Nếu có mặt bằng sớm và nhanh di dời trụ điện, lưới viễn thông… chúng tôi sẽ hoàn thành cầu Cả Lang trong năm nay", anh Đồng khẳng định.
Vừa qua, chủ đầu tư cũng đã xin gia hạn dự án đến cuối năm 2024 mới hoàn thành.
Chỉ còn 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng?
Dự án đường tỉnh 918 giai đoạn 1 được thành phố phê duyệt tháng 10/2020, dài 3,2km, bao gồm xây dựng mới hai cây cầu Cả Lang và cầu Giữa. Tổng mức đầu tư hơn 324 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng.
Theo Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Phong Điền - đơn vị giải phóng mặt bằng, dự án đi qua hai xã Tân Thới và Giai Xuân. Tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 5,5ha, ảnh hưởng đến 385 trường hợp, nhu cầu tái định cư 60 nền.
Theo ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Cần Thơ, với phần mặt bằng đã giao, nhà thầu thi công gần đạt 100%. "Nhưng xét tổng thể, tiến độ dự án mới đạt khoảng 50% do chưa có mặt bằng", ông Cường nói.
Tuy nhiên, ngày 17/7, một lãnh đạo Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Phong Điền cho biết việc giải phóng mặt bằng đã khá khả quan. "Hiện tại, toàn tuyến (cầu và đường) chỉ còn chưa đến 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng và họ đã cam kết bàn giao trong thời gian sớm nhất", ông này nói.
Một khó khăn khác của nhà thầu là lượng cát huy động được hiện chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu. Giá cát khi phê duyệt là 200.000 đồng/m3, nhưng vừa qua, nhà thầu phải mua đến 300.000 đồng/m3…
Do đó, mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ - Nguyễn Văn Hiếu đã đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính cho Cần Thơ thí điểm cát biển, tro xỉ để giải quyết về nhu cầu cát san lấp trong thời gian tới.
Theo ông Hiếu, việc thí điểm sẽ chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Và địa phương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện nếu được phép.
Khởi công đầu năm 2022, mục tiêu dự án đường tỉnh 918 giai đoạn 1 nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế - xã hội của quận Bình Thủy, huyện Phong Điền; hoàn thành một phần cơ sở hạ tầng giao thông khu vực bằng việc kết nối thông suốt giữa quốc lộ 91, 91B, đường tỉnh 923, đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 61C.
Dự án cũng hướng đến mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hiện đại và văn minh. Đây là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, góp phần phát triển các khu vực lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận