Liên tiếp ca tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ
Mới đây, chị P.T.D.H (22 tuổi, quê Long An) tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật nâng mũi. Theo kết quả điều tra của Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), ngày 14/1, qua giới thiệu của 1 người bạn, chị H. đến nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ ở khu biệt thự trong ngõ 147A Tân Mai (quận Hoàng Mai).
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo khách hàng cần lựa chọn trung tâm phẫu thuật có giấy phép, đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, quy trình (Ảnh minh họa)
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật nâng mũi bị xảy ra tai biến, chị H. được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch.
Tuy nhiên, bệnh nhân hôn mê không tiến triển nên gia đình đưa về Long An tiếp tục điều trị. Sau hơn 2 tháng hôn mê, chị H. đã qua đời.
Gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng mới tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.N (SN 1967, trú tại TP.HCM) đến khám trong tình trạng quầng vú bị viêm, hoại tử, góc của các vết khâu cũng ứ dịch.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước đó, chị đọc được quảng cáo trên mạng về cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ lấy tên của một bệnh viện lớn tại TP.HCM.
Sau liên hệ, chị được hẹn phẫu thuật thu nhỏ ngực tại một cơ sở tư với giá khuyến mãi 50% là 30 triệu đồng. Sau ca phẫu thuật thẩm mỹ, chị N. bị đau nhức vết mổ, sưng viêm, hoại tử và có quay lại cơ sở này khám. Tại đây, chị N. được tiêm thuốc trực tiếp vào bầu ngực nhưng không thuyên giảm.
PGS. TS. Đỗ Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, bác sĩ cao cấp Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, phẫu thuật thẩm mỹ là nhu cầu thực tế, chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, làm đẹp như thế nào, làm ở đâu rất quan trọng.
“Gần như ngày nào tôi cũng tiếp nhận và xử trí các ca tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ. Rất nhiều ca biến chứng khủng khiếp do phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực hỏng hay bơm silicon lỏng, tiêm filler, tiêm tan mỡ... một cách vô tội vạ, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng làm hủy hoại nhiều bộ phận của cơ thể.
Đáng nói, các ca tai biến này đều làm ở các cơ sở thẩm mỹ “rởm” hay các spa… và được thực hiện bởi người không có chuyên môn, thậm chí là nhân viên cắt tóc, gội đầu hoặc bởi các bác sĩ trẻ “tay ngang”, mới học một vài khóa đào tạo ngắn hạn rồi tự xưng “chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu”, ông Hùng thông tin.
Theo TS. BS. Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhìn vào thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn ở các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ và tâm lý khách hàng hiện nay, không khó để tiên liệu sự cố y khoa từ dịch vụ này còn đáng quan ngại.
“Những ca tai biến, tử vong do thủ thuật và phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn và có thể sẽ tăng lên khi nhu cầu về phẫu thuật làm đẹp ngày càng tăng. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ việc này chỉ là chuyện như trang điểm nên đã quá dễ dãi, kể cả cơ sở làm dịch vụ lẫn khách hàng”, BS. Vũ cho biết.
Làm đẹp trước hết phải an toàn
PGS. TS. Đỗ Quang Hùng cho biết, nhìn chung thị trường phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay khá hỗn loạn, bất kỳ đâu cũng bắt gặp cơ sở làm đẹp và chất lượng thì “vàng thau lẫn lộn”.
Đáng nói, đa số người có nhu cầu làm đẹp hiện nay đều có tâm lý ngại vào các bệnh viện lớn, do nhiều thủ tục, không phẫu thuật ngay. Lý do là bệnh viện lớn cần phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, trước khi phẫu thuật cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe.
Ngược lại, ở các cơ sở làm đẹp “tay ngang” thì khác, họ dễ dàng đáp ứng nhu cầu thích “nhanh, gọn” cùng nhiều chiêu trò lôi kéo khách hàng như giá rẻ, miễn phí tư vấn… thậm chí họ còn chấp nhận chi trả hoa hồng cao cho “cò” thẩm mỹ.
Ông Hùng cũng cho biết, trong y khoa không tránh khỏi sự cố nhưng với một bác sĩ có chuyên môn tốt sẽ biết xử trí sự cố như thế nào để mang đến sự an toàn nhất cho người bệnh.
Còn theo BS. Vũ, việc hiểu biết rõ về phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp người đi làm đẹp cẩn trọng với quyết định của mình và có hướng chọn lựa đúng khi có nhu cầu thực sự.
Phẫu thuật thẩm mỹ là một loại phẫu thuật đặc biệt để sửa chữa, tái tạo hay thay đổi một phần cơ thể, chia làm hai loại chính: Phẫu thuật tái tạo và phẫu thuật làm đẹp.
Vì vậy, cần có một quy trình chặt chẽ, đội ngũ nhân sự phải hiểu biết đầy đủ lợi ích và nguy cơ khi thực hiện một kỹ thuật hay một phẫu thuật thẩm mỹ.
Người bệnh hay khách hàng cần được giải thích đầy đủ và chọn lựa nơi điều trị theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
“Như vậy, để chọn lựa đi làm đẹp một cách an toàn, khách hàng nên chọn trung tâm phẫu thuật có giấy phép, đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, quy trình và hơn hết là đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm và y đức”, BS. Vũ cho biết.
Cùng quan điểm, BS. Hùng còn cho rằng, việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu.
Quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.
Đối với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mạo danh, có tính chất lừa bịp làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện và cảnh báo rất quan trọng.
“Với tính chất hoạt động thẩm mỹ rầm rộ như hiện nay, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương đều phải có trách nhiệm, chứ mình ngành y không thể quản lý hết được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận