Y tế

Cẩn trọng với bệnh lao đường ruột

11/04/2024, 09:00

Với triệu chứng đau chướng bụng, khó tiêu… nhiều bệnh nhân nghĩ mình chỉ mắc các bệnh tiêu hóa thông thường. Đến khi nhập viện với dấu hiệu tắc ruột, tổn thương đại tràng, dạ dày, bác sĩ mới phát hiện họ mắc lao đường ruột (lao ngoài phổi).

Đau bụng chủ quan không đi khám

Ông N.V.L (57 tuổi, ở Hà Nội) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bụng chướng, đau theo cơn, quai ruột nổi rõ. Khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ ông L bị tắc ruột nên đã chỉ định cho bệnh nhân siêu âm, chụp CT để chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh.

Cẩn trọng với bệnh lao đường ruột- Ảnh 1.

Bác sĩ nội soi chẩn đoán lao đường ruột cho bệnh nhân.

Kết quả cho thấy bệnh nhân tắc ruột, phải chỉ định mổ nội soi cấp cứu. Sau mổ bệnh nhân phục hồi tốt, tuy nhiên giải phẫu bệnh phẩm được xác định là tổn thương lao. Chính vì vậy, ông L tiếp tục theo phác đồ điều trị lao. Trước đó, nhiều lần ông L đã có cơn đau bụng ngắn nhưng ông chủ quan không đi khám.

Còn trường hợp ông N.V.T (65 tuổi, Quảng Ninh), đột ngột gầy sụt 5kg trong vòng 3 tháng, kèm theo các triệu chứng đau bụng quanh rốn, rối loạn đại tiện, cũng đã từng được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán theo dõi ung thư đại tràng.

Lo lắng, ông tìm lên bệnh viện ở Hà Nội khám chéo. Kết quả nội soi đường tiêu hóa cho thấy đại tràng có tổn thương loét lớn, hướng nhiều đến ung thư. May mắn, kết quả sinh thiết mẫu bệnh phẩm của ông T cho kết quả loại trừ hoàn toàn bệnh lý ác tính, chẩn đoán tổn thương viêm hạt do lao.

Tương tự, ông N.Đ.M (43 tuổi, Hà Nam) đi khám trong tình trạng đau bụng thượng vị kèm buồn nôn. Chia sẻ với bác sĩ, ông M cho hay, do các dấu hiệu này xuất hiện liên tục, kéo dài nhiều tháng nên ông đã vài lần đi nội soi dạ dày nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Gần nhất, kết quả sinh thiết khẳng định tổn thương do vi khuẩn lao. Dựa vào các tiêu chuẩn nội soi và giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán ông M mắc lao hồi tràng.

Dễ nhầm với các bệnh tiêu hóa khác

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Viện Phổi Trung ương cho biết, lao đường ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu. Do không có dấu hiệu đặc hiệu, nên lao đường ruột dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác và dễ bị bỏ qua. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nên những hậu quả khôn lường như tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Theo BS Hoàng Thị Phượng, bệnh có thể chẩn đoán chính xác qua các xét nghiệm chuyên sâu.

BS Phạm Thị Quế, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh lao đường ruột thường xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, là bệnh lý ít gặp (chỉ chiếm 1-3%), nhưng rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ biến chứng rất lớn. Trong cơ thể, trực khuẩn lao thường ngủ yên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì sẽ kích thích vi khuẩn lao hoạt động và gây lao ruột.

Dấu hiệu của lao đường ruột ra sao?

Theo BS Quế, bệnh lao ruột xảy ra do 2 nguyên nhân. Với lao ruột nguyên phát thường ít gặp, xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa và khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác. Với lao ruột thứ phát lại rất thường gặp sau khi bệnh nhân bị lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng.

Chia sẻ thêm về bệnh lao đường ruột, BS Trương Quốc Thanh, Trung tâm Giải phẫu bệnh Medlatec cho hay, mắc lao đường tiêu hóa, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không đặc hiệu như: Sụt cân, mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài phân máu, tiêu chảy. Trên thực tế, nhiều trường hợp mắc lao nhưng bị chẩn đoán và điều trị nhầm với một số bệnh lý khác.

BS Quế cũng cho rằng, bệnh lao đường ruột xảy ra khá âm thầm, dấu hiệu bệnh thường không đặc hiệu, do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như: Buồn nôn; Đau bụng toàn bộ hay khu trú, thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải; Đường ruột bị tắc nghẽn; Đầy hơi và sôi bụng thường khu trú ở vùng hố chậu phải; Sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, suy nhược...

Theo khuyến cáo của BS Phạm Thị Quế, khi thấy có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lao ruột, bệnh nhân cần đến bệnh viện, hoặc cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ sẽ có chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán lao ruột khi các bệnh nhân nội soi có tổn thương ổ loét, tổn thương nghi ngờ ở hồi manh tràng; Có tiền sử gầy sụt cân, mệt mỏi chán ăn, triệu chứng đường tiêu hóa, hoặc có tiền sử đã mắc, hoặc có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, nhiễm HIV, dùng corticoid kéo dài… và bệnh nhân chẩn đoán lao phổi AFP dương tính.

Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.