Người dân khốn khổ vì quy hoạch treo
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Khu đô thị Tiến Xuân (Sudico Tiến Xuân) tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân, đơn vị thành viên 100% vốn của Sudico làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích 1.200ha, quy mô vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, ý tưởng là tổ hợp khu đô thị sinh thái đáng sống với đầy đủ trung tâm thương mại, biệt thự, chung cư cao cấp... Dự án này được tỉnh Hoà Bình giao cho chủ đầu tư từ năm 2008, trước khi được giáp nhập về 2 huyện là Thạch Thất, Quốc Oai Hà Nội. Đến nay, sau 13 năm giao đất, dự án vẫn là cánh đồng lúa, không có gì hơn.
Dự án Sudico Tiến Xuân, Thạch Thất vẫn là đồng lúa
Đáng nói, dự án "treo", không triển khai cũng không thu hồi đã khiến hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch phải "sống mòn", không thể xây dựng nhà ở mới và vay vốn sản xuất.
Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho hay, trong tổng số diện tích 1.200ha thì xã Tiến Xuân có khoảng 300ha, thuộc địa giới hành chính của 4 thôn.
Những hộ dân trong 4 thôn này đã được cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ năm 1994. Nhưng đến giờ giấy chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ) không thể mang đi thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất, mua bán chuyển nhượng, tách thửa cho con cái được.
"Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ. Khi chưa có quyết định thu hồi thì địa phương và người dân vẫn phải thực hiện theo quy hoạch", ông Long nói.
Nằm giữa khu đô thị đang phát triển tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) có khu đất khoảng 7ha với hàng nghìn hộ dân sinh sống, ở đây đã có tổ dân cư, thành lập chi bộ Đảng, cấp biển số nhà, hộ khẩu và một số gia đình còn có cả giấy phép xây dựng… Tháng 6/2003, khu đất trên được quy hoạch với mục tiêu đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh, nhà vườn sinh thái vui chơi. Đến nay, dự án treo đã gần 20 năm khiến nhiều hộ dân nơi đây phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp dù đã cầm giấy phép trong tay.
Anh Cường (tổ 1, phường Định Công) cho biết, nhà anh được cấp giấy phép xây dựng hơn chục năm trước. Xung quanh, nhiều nhà dân đã sinh sống đến thế hệ thứ 3 nhưng vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp 2 tầng không được sửa chữa, xây dựng. “Người dân liên tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, mong điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế”, anh Cường nói.
Tương tự tại Dự án Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa, nằm giữa khu vực sầm uất nhất 2 quận Đống Đa và Ba Đình, cũng trải qua một thời gian dài không được triển khai, khiến việc xây dựng, lấn chiếm diễn ra phức tạp. Kết quả sau 20 năm quy hoạch, đã có hơn 600 công trình ở phần đất quy hoạch công viên cây xanh, gần như không thể di dời...,ngoài ra còn hàng trăm dự án tương tự khác.
Mạnh tay hơn với quy hoạch "treo"
Để tháo gỡ tình trạng trên, vừa qua Quốc hội đã sửa đổi Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ năm 2022. Theo đó, Khoản 33, Điều 1, Luật xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14, sửa đổi Điều 94 Luật xây dựng năm 2014 quy định: “Trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc điều chỉnh hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là một quy định pháp luật mới có tính tiến bộ và hướng tới lợi ích của nhân dân, đặc biệt với những người dân đang sống trong những quy hoạch treo hiện nay.
Ông Tuấn cho hay, lâu nay, những quy hoạch treo bền vững từ 3 năm đến hơn chục năm gây ra quá nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân sinh sống tại đó.
Người dân bị mắc kẹt trong chính mảnh đất của mình khi nhà hỏng chỉ được sửa chữa để đủ đảm bảo nhu cầu sống, không được xây dựng mới dẫn đến chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Sau quy định mới này, với các quy hoạch đã bị treo trên 3 năm thì người dân hoàn toàn được quyền xây dựng nhà ở mới có thời hạn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi trường, phòng chống cháy nổ, hành lang bảo vệ an toàn giao thông, đảm bảo an toàn hạ tầng kỹ thuật,…
Tuy nhiên, Luật sư Tuấn cũng chỉ ra nhiều tình huống đáng lo ngại. Đơn cử như: Sau khi có quyết định thu hồi đất nhưng không thực hiện việc thu hồi, cũng không thực hiện đền bù hay có chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân, lúc này ngoài việc không được xây dựng nhà ở mà cả việc chuyển quyền cũng bị hạn chế. Nếu theo quy định trên thì trường hợp này người dân cũng không được phép xây dựng nhà ở mới trong khi họ cũng vẫn phải chịu nhưng hậu quả của quy hoạch treo như trên.
Hoặc trong trường hợp đã công bố về kế hoạch sử dụng đất nhưng lại treo khi chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi đó nếu người dân xây nhà liệu có bị coi là vi phạm luật đất đai liên quan đến việc sử dụng đất đúng mục đích...
Do đó, vị luật sư cho rằng, cần phải có sự thay đổi về quy định mới này đồng thời phải có hướng dẫn thực hiện cụ thể đảm bảo sự nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Nhà nước phải có những biện pháp nhằm ngăn ngừa những quy hoạch treo, đây là ngọn nguồn của vấn đề. Ngoài ra cũng cần phải xóa bỏ những rào cản lớn cho việc xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng đất như: chế độ máy móc, không linh hoạt khi xây dựng quy hoạch; sự thiếu trung thực, thiếu tầm nhìn, không có định hướng khi xây dựng quy hoạch và nhiều các lý do khác.
Cuối cùng cần phải tìm ra những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm liên quan đến các quy hoạch treo để có biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm túc, kịp thời để tạo ra tính răn đe, áp lực cần thiết tới những cơ quan, cá nhân, tổ chức khác sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận