Đường bộ

Cân tự động: Xe quá tải trên QL5 giảm mạnh

04/12/2020, 16:25

Cân tự động và phạt nguội liệu có là giải pháp hiệu quả để chặn xe quá tải?

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo Hội nghị

Nhiều lợi ích từ cân tự động

Hôm nay (4/12), Tổng cục Đường bộ đã sơ kết 3,5 tháng hoạt động thí điểm kiểm soát tải trọng xe bằng hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên QL5.

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc đưa 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động vào hoạt động thí điểm đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác kiểm soát xe quá tải trên QL5. Tỷ lệ xe vi phạm tải trọng đường bộ mức xử phạt từ 6,9% giảm còn 0,15% (giảm 46 lần), số xe vi phạm theo ngày bình quân 176 xe/ngày xuống còn 4,2 xe/ngày (giảm 42 lần).

“Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 90 trường hợp, với số tiền xử phạt hơn 810 triệu đồng”, ông Chung cho biết.

Theo ông Chung, đây là hệ thống cân tự động tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam, có độ chính xác cao, ổn định, hệ thống cân hoạt động tự động hoàn toàn, không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người, cho ra kết quả cân nhanh từ 3 - 15 giây và kiểm soát được 100% số lượt.

“Việc áp dụng xử phạt “nguội” theo quy định tại Điều 80 Nghị định 100/2019 đã giải quyết được vấn đề là lực lượng chức năng không phải trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va trạm với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, chí phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt không đáng kể, và nhân sự thực hiện nhiệm vụ không cần bổ sung biên chế, không phải trực 24/24 giờ nên không thể tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ đối tượng vi phạm, do đó loại bỏ hoàn toàn tiêu cực”, ông Chung cho biết.

Khẳng định tính hiệu quả sau thời gian thí điểm mô hình, ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho rằng, Tổng cục Đường bộ VN cần sớm hoàn thiện để đưa nội dung cân bằng hệ thống cân kiểm tra tải trọng tự động vào hoạt động chính thức. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động của trạm cân tự động rộng rãi trong nhân dân cũng như xây dựng thông tư hướng dẫn để triển khai hệ thống cân này để triển khai trên toàn quốc.

Đại diện cho đơn vị tiếp nhận quản lý hệ thống cân, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I cho biết, trước đó 1 năm trên trục đường 5 mỗi ngày có khoảng 1000 xe vi phạm chở quá tải. Đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ có 10 xe vi phạm.

“Nếu mô hình này được nhân rộng trên toàn quốc cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu trực tuyến. Khi tiếp nhận xe vi phạm, Cục phải gửi bằng văn bản sang Cục Đăng kiểm. Nếu có cơ chế chia sẻ trực tuyến thì thuận tiện trong công tác xử lý”, ông Hà đề xuất.

img

Hệ thống cân tự động trên QL5

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, qua thí điểm cho thấy đã làm chủ được mặt kỹ thuật, hạn chế sự tham gia của con người vào kiểm soát xe quá tải.

Trong tháng 1 này sẽ tổng kết 5 năm Chỉ thị 32 của Thủ tướng về kiểm soát tải trọng xe và sẽ kiến nghị ban hành Chỉ thị mới trong giai đoạn tới. Đây là kết quả quan trọng để kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sát hơn, cụ thể hơn về kiểm soát tải trọng xe.

Ngoài trách nhiệm, phối hợp của các đơn vị, địa phương trong văn bản sẽ kiến nghị báo cáo để cấp ủy chỉ đạo khi triển khai Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư về đảm bảo ATGT. Khi đó việc phối hợp hay đấu tranh với các trường hợp cố tình chống đối sẽ hiệu quả hơn.

“Cần thống nhất quan điểm trạm kiểm tra tải trọng xe tự động là một phần của kết cấu hạ tầng giao thông để xác định cách thức, nguồn vốn đầu tư. Về đầu tư nghiên cứu cách thức để có nguồn vốn đầu tư của địa phương và duy trì hoạt động có thể lấy từ nguồn bảo trì đường bộ. Nếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về tiếp tục điều tiết tiền xử phạt về ngân sách địa phương. Có thể thống nhất quan điểm đưa vào Chỉ thị sẽ đề nghị sử dụng 100% tiền xử phạt xe quá tải cho công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng”, ông Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định việc kiểm soát tải trọng xe đang trong thời kỳ quá độ, hoàn thiện hệ thống thiết bị kiểm tra xe quá tải. Đến nay chúng ta có thêm công nghệ mới kiểm soát xe quá tải tải tự động và sử dụng dữ liệu để xử phạt. Hệ thống phù hợp với chủ trương thích ứng với cuộc cách mạng khoa học 4.0.

“Nếu đặt cân cố định sẽ không kiểm soát được các lái xe chạy trốn tránh. Với việc dùng cân xách tay, phối hợp với lực lượng công an thành lập các trạm cân lưu động, tuy công cụ còn thô sơ nhưng phù hợp với thời điểm đã mang lại hiệu quả nhất định, qua 6 năm triển khai, đến nay xe quá tải chỉ còn khoảng 10%”, Thứ trưởng nói.

Với sự phát triển của đất nước, với cơ chế thị trường, lợi nhuận gắn liền với sản xuất kinh doanh sẽ vẫn tồn tại xe quá tải, nếu không quyết liệt sẽ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Khẳng định kết quả thí điểm mô hình, công nghệ kiểm soát xe quá tải vừa qua đã thành công, Thứ trưởng yêu cầu khi áp dụng mô hình mới phải chặt chẽ về thủ tục pháp lý làm cơ sở để thực hiện. Khi thí điểm xong đã mang lại hiệu quả, đã đúng, đã trúng cần sớm tham mưu cho Chính phủ thực hiện mô hình này về kiểm soát tải trọng. Muốn sớm đưa mô hình mới này vào thực tế cần phải hoàn thiện nhanh về mặt thủ tục pháp lý làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Tổng cục đường bộ hoàn thiện báo cáo thí điểm, phân tích rõ những ưu việt, tồn tại hạn chế để từ đó xây dựng đề án cân tải trọng tốc độ cao tự động trình Bộ GTVT để trình Chính phủ phê duyệt. Trước mắt trong tháng 1 tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng về đề án làm cơ sở pháp lý triển khai nhân rộng trong cả nước”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong Đề án cần nêu rõ cơ sở pháp lý, lấy Quyết định 19 làm kinh nghiệm xây dựng cho kiểm soát xe quá tải. Bên cạnh đó, xác định rõ mô hình, nguồn vốn, tính kết nối để không chỉ lực lượng thanh tra xử phạt mà cả lực lượng công an cũng được xử phạt. Đồng thời xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ hệ thống kiểm soát xe quá tải để có hành lang pháp lý rõ ràng triển khai trong thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.