316 cây xanh chạy dọc trên đường Tôn Đức Thắng |
Sáng 29/11, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Nông lâm tổ chức hội thảo “An toàn cây xanh trên địa bàn TP.HCM”. Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp quản lý tốt hơn, an toàn hơn đối với cây xanh đô thị của thành phố.
Vài trăm cây đổ mỗi năm
Theo Sở GTVT TP.HCM, cơ quan này đang quản lý hơn 130 nghìn cây xanh trên toàn thành phố, trong đó có hơn 7.380 cây trong công viên và gần 123 nghìn cây trên đường phố. Cây xanh, cây cổ thụ trên đường phố chủ yếu là: Dầu, Sao đen, Lim sét, Sọ khỉ, Me tây… Thực tế, trong khoảng thời gian từ 2013 - 2016, các loại cây này cũng thuộc nhóm chiếm tỷ lệ cao về sự cố ngã đổ, rơi gãy nhánh gây tổn thương, thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 749 sự cố, trong đó 195 cây đổ, 554 cây gãy nhánh, làm chết 2 người, bị thương 9 người và thiệt hại nhiều tài sản giá trị khác.
Ông Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp TP HCM cho rằng, cần xác định loại cây ưu tiên trên từng tuyến đường. Chẳng hạn, quận 1 có thể trồng Móng bò tím, Bằng lăng, Lộc vừng, Bò cạp nước. Quận 4, 6, 8, Tân Bình… có thể trồng Me tây, Liễu xanh, Liễu đỏ, Kèn hồng... |
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh (Sở GTVT TP.HCM), nguyên nhân ngã đổ cây xanh là do yếu tố khách quan như khí hậu thay đổi bất thường, hiện tượng triều cường gia tăng làm cho một số khu vực bị ngập úng nặng, kéo dài dẫn đến bộ rễ dễ bị nhiễm khuẩn, nấm xâm hại đưa đến mục gốc làm cây dễ ngã đổ khi có mưa to gió lớn. Công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến bộ rễ, hạn chế sự phát triển của cây xanh hiện hữu. Ngoài ra, một số cây Sọ khỉ, Phượng vỹ có rễ ăn ngang không còn phù hợp trong điều kiện đô thị như ngày nay. Do vậy, với cây Sọ khỉ cần tập trung xử lý, đốn hạ để thay thế những cây phù hợp.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng, cần đốn hạ những cây cổ thụ đã già cỗi. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “kế hoạch đốn hạ, thay thế này phải thật cụ thể, đảm bảo không làm thay đổi đột ngột cân bằng sinh thái đã được thiết lập lâu nay trên các tuyến phố”.
“Vì không thể đốn hạ hàng loạt nên trong những chủng loại trên cần tập trung vào hai loại là Dầu và Lim sẹt, riêng với cây Sao và Sọ khỉ trước mắt cho cắt thấp”, ông Kiểm nói và cho biết thêm: Một nguyên tắc nữa là đốn đến đâu trồng ngay đến đấy. Do đó, cần phải có nhiều cây cỡ tuổi khác nhau tại vườn ươm để khi trồng thay thế trên đường phố đảm bảo cây đồng đều, tạo mỹ quan đô thị. Sau khi đốn hạ cây già cỗi, thành phố cần có chương trình bảo tồn cây cổ thụ vì TP.HCM là một trong rất ít thành phố trong cả nước có những hàng cây cổ thụ rất đẹp”, ông Kiểm nói.
Trong khi đó, ông Đặng Lê Anh Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu hệ rễ cây xanh đô thị ở trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho rằng, hầu hết các cây lớn trồng đô thị ở ta đều là cây bứng, với đường kính dao động từ 8-20cm. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cây lớn đô thị kém chất lượng và dễ ngã đổ. Do vậy, chỉ nên trồng những loại cây có cỡ đường kính vừa phải (khoảng 8-10cm), nhưng bầu cây đảm bảo đủ to theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Quản cây xanh bằng hệ thống thông tin địa lý
Liên quan đến quy hoạch cây xanh, ông Nguyễn Khắc Dũng thẳng thắn: “Ở ta chưa có quy hoạch cây xanh mà mới chỉ có quy hoạch đất xanh, mới chỉ ra chỗ này trồng cây, làm vườn hoa, mặt nước, nhưng trồng cây gì, như thế nào thì chưa chỉ ra được”.
Do vậy, về lâu dài ông Dũng cho rằng, cần nâng cao tính chuyên ngành trong việc quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị bằng việc thành lập mô hình cơ quan chuyên ngành về quản lý, nghiên cứu và phát triển cây xanh đường phố; Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ngành điện và cây xanh, bổ sung quy trình chăm sóc cây xanh loại 2, loại 3 phù hợp từng chủng loại, vị trí…
Các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn TP.HCM cũng cần nghiên cứu hướng quản lý toàn bộ cây xanh trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) để theo dõi và xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, cắt tỉa cành cây. Trong đó, lập danh sách chủng loại cây thuộc diện bảo tồn cần theo dõi đặc biệt để đề xuất hướng xử lý phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Viên Ngọc Nam, giảng viên trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý cây xanh đô thị thông qua các phần mềm có mã nguồn mở kết hợp với điện thoại thông minh giúp việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cá nhân được thuận lợi và nhanh chóng.
“Đây là phần mềm miễn phí, sử dụng đơn giản trong việc khảo sát, xác định vị trí tọa độ và thông tin từng cây xanh, độ cao theo dạng 3D, chụp hình có gắn tọa độ, thâu âm để báo cáo và lưu trữ...”, ông Nam nói và cho biết, để ứng dụng GIS, trước tiên cần tải ảnh viễn thám có độ phân giải cao. Tiếp đó chuyển toàn bộ dữ liệu vào thẻ nhớ điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm Locus Map. Sử dụng điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm này đi thực địa để đo, đếm từng vị trí cây. Trên thực tế, trường Đại học Nông lâm đã thành công khi ứng dụng GIS trong quản lý hệ thống cây xanh của trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận