Xã hội

Cần ưu tiên vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam

28/11/2016, 06:18

"Đường cao tốc Bắc - Nam là dự án cấp bách, lẽ ra cần làm sớm hơn", TS. Lưu Bích Hồ nhận định.

1
Theo TS. Lưu Bích Hồ, đường cao tốc Bắc - Nam là một dự án cấp bách, lẽ ra cần làm sớm hơn (Trong ảnh: QL1 qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế sau nâng cấp, mở rộng) - Ảnh: Ích Tín

Xung quanh việc Quốc hội thông qua việc dừng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trao đổi với Báo Giao thông TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng đó là quyết định cần thiết. Trong bối cảnh chúng ta còn khó khăn về nguồn vốn cần ưu tiên đầu tư những công trình cấp bách, chẳng hạn như cao tốc Bắc - Nam để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa ông, mới đây Quốc hội đã ra quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

Như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói: “Nếu không dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì chúng ta sẽ không có đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau”. Trong giai đoạn hiện nay, cần ưu tiên vốn vào những dự án có hiệu quả cao trong việc phát triển KT-XH. Đó là chưa kể về vấn đề an toàn điện hạt nhân cũng cần phải được cân nhắc. Trên thế giới hiện chỉ có Trung Quốc đang triển khai xây dự án điện hạt nhân vì họ đã lên kế hoạch từ lâu. Còn lại ngay cả các nước mạnh về điện hạt nhân như Đức, Nhật Bản hiện cũng chỉ thực hiện gia cố an toàn tại những nhà máy đã có, không triển khai dự án xây mới.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, chúng ta đang trong điều kiện rất ngặt nghèo về vốn, nguồn thu còn khó khăn, trong khi nguồn chi lại chưa được thắt chặt như mong muốn. Trong mấy năm nay, chúng ta có đến 65% chi thường xuyên, 24-25% chi để trả nợ đến hạn, còn lại trên 10% là cho đầu tư. Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu đầu tư công quá lớn, chúng ta phải “ép” lại không phải chỉ vì vấn đề nguồn vốn mà còn bởi yêu cầu giữ mức trần nợ công. Chính vì thế, cách thức tiên quyết phải rà soát lại những dự án đầu tư từ vốn Nhà nước, chỉ lựa chọn và tập trung cho những dự án có hiệu quả cao cho nền kinh tế.

3
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017. Theo đó, sẽ ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia. Vậy, trong bối cảnh khó khăn về vốn, việc thực hiện các công trình trọng điểm có khiến ngân sách bị đè nặng? Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) khi tổng nguồn vốn dự kiến dành cho các dự án trên lên tới 66 tỷ USD?

Cơ cấu vốn đầu tư công dành ưu tiên cho những công trình trọng điểm như: CHK quốc tế Long Thành hay đường cao tốc Bắc - Nam…là quyết định dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và đúng đắn.

Chính phủ vừa trình Quốc hội một loạt siêu dự án hạ tầng dự kiến bố trí vốn thực hiện và xem xét đầu tư giai đoạn 2016-2020. Đây là các dự án quan trọng quốc gia, tổng nguồn vốn đầu tư ước tính 66 tỷ USD. Đáng kể nhất là dự án CHK quốc tế Long Thành, có quy mô 100 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư khoảng 16,03 tỷ USD. Tiếp theo là dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD…

Cụ thể, đường cao tốc Bắc - Nam là dự án cấp bách, lẽ ra cần làm sớm hơn. Lâu nay, chúng ta dự định chia một phần lưu lượng phương tiện giao thông sang đường Hồ Chí Minh ở phía Tây nhằm giảm tải, hạn chế tác động của lũ lụt, đồng thời bảo đảm an ninh - quốc phòng. Nhưng thực tế đường Hồ Chí Minh không phát huy hiệu quả như mong muốn, không giải quyết được vấn đề giao thông trên trục Bắc - Nam. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, thời gian tới phải là cao điểm tập trung vốn để làm nhanh đường cao tốc Bắc - Nam. Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì phát triển đường bộ nên khai thác đường biển. Nhưng muốn sử dụng đường biển thuận lợi đâu phải dễ, còn phải đầu tư hệ thống cảng, logistics... không phải ngày một, ngày hai là có. Tuy nhiên, chốt lại dù thế nào cũng không thay đổi được vị thế huyết mạch của đường bộ.

Tương tự, đối với Dự án CHK quốc tế Long Thành, một khi đã quyết định làm thì phải tập trung sớm hoàn thành để “chia lửa” cho sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải…

Nói về vốn, chúng ta đủ khả năng để đầu tư các dự án trọng điểm trên trong giai đoạn 2016-2020, với kịch bản mỗi năm tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,5%. Đáng nói, tổng vốn đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngoài vốn ngân sách Nhà nước, còn có vốn vay ODA, vốn huy động thông qua xã hội hóa đầu tư. Thực tế, phần ngân sách chủ yếu dùng để thực hiện công tác đền bù, GPMB các dự án như CHK quốc tế Long Thành, phần vốn đối ứng cho các dự án BOT làm cao tốc Bắc - Nam và vốn dự án chống ngập cho TP.HCM đang triển khai. Vì vậy, các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2017-2020 sẽ không gây áp lực quá lớn với ngân sách.

2

QL1 đoạn qua cầu Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An - Ảnh: Văn Thanh

Vậy, theo ông lĩnh vực nào nên được ưu tiên vốn hơn cả?

Trong giai đoạn này nên ưu tiên số 1 cho giao thông, tiếp theo là các dự án về điện, y tế, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, làm thế nào đầu tư công được hiệu quả?

Đầu tư công muốn hiệu quả trước hết vẫn là khâu quy hoạch, không thể cứ rút ra rồi lại cho vào vô nguyên tắc. Khi đã có quy hoạch lại phải xem xét  cẩn thận trình tự tiến độ. Có thể quy hoạch đúng về tổng thể dài hạn nhưng trong từng bước lại phải tính toán, lựa chọn hạng mục ưu tiên… Thứ hai, trước khi quyết định đầu tư dự án lại phải rà soát các nội dung như hiệu quả về tài chính, KT-XH; Đáp ứng vốn như thế nào; Chất lượng công trình có bảo đảm; Vấn đề công nghệ, bảo vệ môi trường? Kế đến là triển khai thực hiện thi công và giám sát cần bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ, hạn chế mức thấp nhất những tiêu cực, thất thoát... Ngoài ra, tinh giản bộ máy thực hiện; Ứng dụng công nghệ hiện đại… Tất cả các khâu trên cần phải được phối hợp thống nhất, chứ không phải “cắt khúc”, mạnh ai nấy làm...

Cuối cùng, hãy nhìn lại những bài học nhãn tiền, không biết bao nhiêu dự án nghìn tỷ có vốn nhà nước như: Nhà máy mở rộng gang thép Thái Nguyên, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy đạm Ninh Bình… bị đắp chiếu hoặc thoi thóp chờ chết. Đó là những điển hình của việc đầu tư công kém hiệu quả, đã đến lúc phải mạnh tay chấm dứt vì còn tồn tại tình trạng này kinh tế càng khó phát triển.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.