Ảnh minh họa. |
Sáng 7/4, trong phiên thảo luận về BLHS (sửa đổi), nhiều đại biểu Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.
Trình bày tờ trình Dự án BLHS (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị, ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì dự thảo Bộ luật sửa đổi bổ sung thêm 2 đối tượng: người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (khoản 3 Điều 39).
Riêng với đề xuất miễn án tử hình khi người bị kết án chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành án không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, "tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình".
Cũng liên quan đến các vấn đề sửa đổi trong BLHS (sửa đổi), trong phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi: Có một số tội mới phát sinh rất nguy hiểm cho xã hội, như tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống... Vậy những cái này có thể cấu thành tội phạm hình sự không?
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, các tội tự chuyển hóa đã có một chương riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đủ để xử lý.
"Về suy thoái về đạo đức, bộ luật Hình sự đã có khá đầy đủ các quy định, nhưng cụ thể là các tội gì thì sẽ báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội. Lợi ích nhóm có thể là nguyên nhân dẫn đến hối lộ, tham nhũng thì đã có các quy định trong trong phần các tội về kinh tế. Và để xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, cơ quan soạn thảo lần này mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân", Bộ trưởng Bộ tư pháp giải trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận