Cần có nhiều loại sao phục vụ nhu cầu hành khách
Chiều nay (31/1), trực tiếp thị sát khu vực Bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ: Trực tiếp kiểm tra tận nơi, "mắt thấy tay sờ", tôi rất phấn khởi vì bến xe đổi mới, hiện đại, sạch đẹp có phòng chờ tập trung, phòng chờ vip.
Ông Quyền cũng cho rằng bến xe cần nhanh chóng phân loại xe khách, có quy chuẩn thương hiệu phục vụ, xếp sao để phù hợp với nhu cầu của người dân. Thực tế vẫn còn nhiều lao động nghèo, họ chỉ có nhu cầu lựa chọn xe bình dân, giá rẻ. Cũng có nhiều người có điều kiện hơn muốn được đi xe cao cấp hơn.
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo TP, sớm rà soát, đánh giá, xếp sao cho xe khách.
Báo cáo đoàn kiểm tra, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: Bến xe Mỹ Đình được thiết kế với công suất 2.000 phương tiện xe khách, nhưng số xe hiện chỉ khoảng trên 600 phương tiện mới đạt 1/3 so với công suất. Do đó, tới đây bến sẵn sàng tiếp nhận thêm các xe hợp đồng vào hoạt động.
Chia sẻ về hoạt động của tuyến buýt kế cận từ Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Trực Ninh (Nam Định) vừa được đưa vào vận hành, ông Hùng cho hay, người dân đang dần biết tới và sử dụng, qua khảo sát cho thấy họ hài lòng và phấn khởi khi có thêm tuyến buýt thuận tiện. Thay vì trước đây cứ vạ vật ở cổng bến, không thấy xe đi tỉnh Nam Định đành tìm xe dù, bến cóc xung quanh.
Ông Hùng cũng đề xuất lãnh đạo thành phố cho phép triển khai buýt kế cận trên một số tuyến ngắn khác.
Đồng tình với đề xuất này, ông Quyền khẳng định đây cũng là giải pháp ngăn xe dù, bến cóc, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Khách đến bến phải được an toàn, thuận tiện
Dịp cao điểm phục vụ hành khách đang tới bến xe rất gần, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu bến xe phải làm thế nào để khách hàng tới thấy an toàn, thuận tiện, phục vụ nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Tới đây khi hoàn thiện đường Vành đai 4, TP sẽ có chủ trương rà soát, sắp xếp lại các bến xe trên địa bàn. Do đó, quản lý bến xe cần lưu tâm, có tầm nhìn xa, phải tích hợp nhiều dịch vụ cho khách hàng lựa chọn.
Theo Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, đợt phục vụ tết nguyên đán sẽ diễn ra trong khoảng ngày 31/1/2024 đến hết ngày 9/2/2024 khi người lao động tự do, sinh viên đã bắt đầu kỳ nghỉ tết Nguyên đán và cũng là thời điểm ngày lễ cúng ông Công ông Táo. Từ ngày 8/2/2024, cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 7 ngày.
Dự kiến cao điểm của kỳ lễ sẽ diễn ra vào các ngày 21,22,23 và ngày 27, 28, 29 tháng Chạp, dự báo lượng khách qua bến trong thời gian này sẽ tăng khoảng 300% đến 350% so với ngày thường.
Đối với một số tuyến như: Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm.
Để phục vụ tốt hành khách đi lại, công ty đã phối hợp với các đơn vị vận tải trên tuyến chuẩn bị tốt và đầy đủ phương tiện trong tuyến, phương tiện tăng cường giải tỏa đảm bảo khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ lễ, Tết là 2.500 xe, lượng xe được phân bổ cho từng tuyến theo kế hoạch dự báo phù hợp với lưu lượng hành khách đi lại. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng hỗ trợ giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.
Trước đó, trong ngày hôm qua (30/1), ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đi thị sát yêu cầu các bến xe trên địa bàn Hà Nội phải phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách trong cao điểm.
Đồng thời, ông Hùng đề nghị Ban ATGT TP Hà Nội tham mưu Chủ tịch UBND và Giám đốc công an thành phố giao trách nhiệm cho trưởng công an quận, huyện chủ trì xử lý dứt điểm các bến cóc trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận