Việc sử dụng bằng lái xe giả, không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật, tiếp tay cho các đối tượng cung cấp dịch vụ mà còn gây nguy hiểm cho chính mình và người khác...
Sử dụng bằng lái xe giả Nguy hiểm như không có bằng
Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ gây TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc tài xế không có bằng lái hay sử dụng GPLX giả. Điển hình là vụ tai nạn xay ra tháng 5/2017, tài xế Nguyễn Thái Dương (SN 1980, quê Hậu Giang) điều khiển xe khách loại 29 chỗ biển số TP HCM trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn hướng từ Đồng Nai về Bình Dương, khi đến nút giao ngã 5 thuộc phường Tân Bình, TX Dĩ An, Bình Dương đã va chạm vào đuôi ô tô bán tải đang chạy cùng chiều rồi lao vào đường Cây Da, tiếp tục tông 3 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ phía đối diện, sau đó tông vào cột điện, mắc kẹt vào rãnh thoát nước. Vụ tai nạn làm hai bé tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương.
Qua kết quả điều tra xác minh lái xe Nguyễn Thái Dương không có GPLX ô tô phù hợp với loại xe mà Dương điều khiển. Cụ thể, Dương chỉ có GPLX ô tô hạng B2 nhưng đã sử dụng GPLX giả hạng D để điều khiển xe ô tô chở khách 29 chỗ ngồi. Xét các bằng chứng và yếu tố trong vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Dương 9 năm tù.
Trước nhiều ý kiến cho rằng khó truy các đối tượng bán GPLX vì việc mua bán chủ yếu được giao dịch qua môi trường mạng, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao thông Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel) cho biết, bằng công nghệ hoàn toàn có thể tìm được đối tượng bán GPLX qua môi trường mạng. Hiện, Viettel đã có công cụ quản lý không gian mạng, công cụ này ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ lọc và tìm kiếm các từ khoá liên quan, tìm được số điện thoại trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube hay các nền tảng khác.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, không có GPLX hay sử dụng GPLX giả khiến người điều khiển phương tiện không thể nắm rõ các quy định của Luật GTĐB, các quy tắc lái xe an toàn khi phải xử lý tình huống, không thể nhận biết các biển báo hiệu, biển chỉ dẫn... nên nguy cơ gây TNGT rất cao. Sử dụng GPLX giả là hiểm họa khôn lường đối với người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tô tô VN nhìn nhận, số trường hợp bị phát hiện mua bán, sử dụng GPLX giả rất ít so với thực tế. Nếu người dân còn có nhu cầu, cộng với lợi nhuận cao, việc các đối tượng làm giả GPLX sẽ còn tiếp diễn.
Theo ông Quyền, việc người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả, không được học các kỹ năng cơ bản về điều khiển phương tiện là một trong những nhóm nguy cơ cao gây TNGT. “Quy định của pháp luật, nếu bị phát hiện sử dụng GPLX giả, người vi phạm trong vòng 5 năm không được đăng ký học và cấp GPLX. Tuy nhiên, thời gian qua rất ít trường hợp bị phát hiện, xử lý”, ông Quyền nói.
Phải nghiêm trị để răn đe
Đề cập đến việc GPLX giả được rao bán công khai, không ai xử lý, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định có người đã làm GPLX, hoặc sử dụng GPLX giả để lừa dối cơ quan chức năng, cả người làm giả và người sử dụng GPLX giả đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 314, Bộ luật Hình sự năm 2017.
“Điều 341, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù mức thấp nhất từ 6 tháng, mức cao nhất lên đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng”, luật sư Cường cho biết.
Lập chuyên án điều tra tiêu cực trong cấp GPLX
Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, tại một cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia mới đây đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả Giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả GPLX hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp và khám sức khoẻ cho người học lái xe.
Cũng theo luật sư Cường, dù pháp luật có quy định, nhưng thực tế có rất ít trường hợp người sử dụng GPLX giả bị khởi tố theo tội danh trên do nhiều nguyên nhân như việc phát hiện giấy tờ nào giả, giấy tờ nào thật phải có cơ quan chuyên môn. Hơn nữa, việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền chưa triệt để.
“Cần xử lý hình sự các đối tượng có hành vi làm giả GPLX, môi giới, cung cấp GPLX giả và không loại trừ cả người mua và sử dụng GPLX giả nếu ngay từ đầu người mua GPLX giả để sử dụng đã nhận thức đây là việc phạm pháp nhưng vẫn thực hiện. Bởi người mua đã có ý thức vi phạm pháp luật và cần phải nghiêm trị triệt để, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung”, luật sư Cường phân tích.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lương Duyên Thống cho biết, trước thực trạng làm bằng giả như hiện nay, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi Công an TP HCM, Hà Nội và các Sở GTVT đề nghị phối hợp kiểm tra, rà soát các đối tượng quảng cáo, rao bán GPLX giả. Xử lý các đối tượng làm giả giấy tờ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như GPLX, sổ hộ khẩu, các loại bằng cấp thuộc chức năng ngành công an… Cùng với xử lý nghiêm các đối tượng làm GPLX giả, cũng phải xử lý nghiêm người sử dụng GPLX với mức độ khiến người ta không dám đi mua bằng giả…Tất cả giao dịch trên môi trường mạng, nếu có sự vào cuộc của công an sẽ điều tra được địa chỉ của đối tượng bán GPLX giả.
“Hiện, CSGT đã truy cập vào cơ sở dữ liệu quản lý GPLX của Tổng cục Đường bộ VN. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT nghi ngờ chỉ cần gõ số bằng vào hệ thống sẽ phát hiện ngay GPLX là giả hay thật. Khi phát hiện trường hợp nào sử dụng bằng giả sẽ bị thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật và sẽ không được học và thi cấp GPLX trong thời hạn 5 năm kể từ khi bị phát hiện”, ông Thống cho biết.
Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, việc sử dụng GPLX giả, làm giấy tờ giả phải xử lý tội hình sự. Đây là tội làm và sử dụng giấy tờ giả trong hoạt động kinh doanh và tham gia giao thông và phải xử lý hình sự. Theo ông Hùng, Nghị định 46 sửa đổi tới đây cũng tăng nặng hành vi sử dụng GPLX giả thay vì mức phạt rất nhẹ như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận